(HNMO) - Triển vọng phát triển ngành Hàng không khá rõ nét, nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, để phục hồi và phát triển, Hàng không cần được coi là một trong những ngành ưu tiên hàng đầu để có các giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Đó là quan điểm được một số chuyên gia nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế: "Phục hồi và phát triển ngành Hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới" do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức sáng nay, 24-5.
Nhiều tác động tiêu cực
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành Hàng không Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong suốt thập niên từ năm 2010 đến 2019, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa trong nước, trở thành phương thức và biểu tượng kết nối Việt Nam với thế giới. Năm 2019, lượng khách đã tăng gấp 4 lần so với năm 2010, đạt 37,4 triệu lượt khách nội địa và 41,2 triệu khách quốc tế. Sản lượng vận tải hàng hóa qua đường hàng không năm 2019 đạt 1,5 triệu tấn nhưng chiếm tới 25% giá trị xuất khẩu.
Với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2019 đạt trên 15%/năm, thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Sự phát triển của ngành Hàng không luôn là động lực, khâu đầu tiên trong việc thu hút đầu tư và phát triển du lịch của đất nước.
Tuy nhiên, cũng như thế giới, ngành Hàng không Việt Nam đã bị tác động tiêu cực từ khi Covid-19 xảy ra. Doanh thu bị sụt giảm đột ngột nhưng các chi phí cố định vẫn ở mức cao, dẫn tới tình trạng bị thâm hụt dòng tiền và suy giảm lợi nhuận trong hai năm 2020 và 2021.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng, bước sang năm 2022, thị trường đã có dấu hiệu phục hồi nhưng mới chỉ ở thị trường nội địa, trong khi ở thị trường quốc tế (nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng) vẫn còn gặp nhiều khó khăn để có thể đạt được như mức trước dịch (năm 2019). Đến nay, dù phần lớn các đường bay quốc tế đã được khôi phục song các thị trường trọng yếu, chiếm tỷ trọng lớn về lượng khách như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... hiện vẫn duy trì các chính sách hạn chế về xuất nhập cảnh và duy trì các biện pháp phòng, chống dịch.
Cùng với đó, sau 2 năm chống chọi với đại dịch, các đơn vị trong ngành Hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không Việt Nam đều chật vật để có đủ nguồn tài chính, dòng tiền duy trì hoạt động. Đặc biệt, sau thời gian dài giữ ổn định ở mức thấp thì giá dầu liên tục tăng thời gian qua và chưa có tín hiệu giảm nhiệt đã gây áp lực, trở thành thách thức không nhỏ đến các hãng hàng không nói riêng và ngành Hàng không nói chung...
Cần được coi là ngành ưu tiên hàng đầu
Năm 2022, nhờ vào chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi trên toàn quốc, cùng với các quy định phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm ngặt, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chuyển sang thích ứng an toàn và hiệu quả với đại dịch, ngành Hàng không bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu phục hồi. Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, tính trong 4 tháng đầu năm 2022, thị trường nội địa gần như hồi phục so với năm 2019. Tổng thị trường nội địa trong 4 tháng đạt 11,5 lượt khách, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019.
Triển vọng phát triển ngành Hàng không trong năm 2022 và thời gian tới là khá rõ nét, nhiều khả năng sẽ dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau giai đoạn dịch bệnh là quan điểm được GS. Trần Thọ Đạt (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhấn mạnh. Để phục hồi và phát triển ngành Hàng không trong bối cảnh mới, GS. Trần Thọ Đạt kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp. Trên quan điểm công bằng và hiệu quả, Hàng không, Du lịch và một số ngành dịch vụ liên quan cần được coi là những ngành ưu tiên hàng đầu vay với mức lãi suất ưu đãi, thời hạn ít nhất trong 23 năm để vực dậy hai ngành vốn bị ảnh hưởng nặng nhất.
Đồng thời, cũng cần cân nhắc việc xem xét giảm một số chi phí để hạn chế phần nào tác động của việc tăng giá xăng dầu, nhiên liệu bay thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không; tháo gỡ một số ràng buộc về chính sách giá như điều chỉnh giá trần vé máy bay; cho phép hãng hàng không được phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa; hỗ trợ giá dịch vụ hàng không... Về phía các hãng hàng không cũng cần chủ động có các giải pháp khắc phục và thích ứng linh hoạt.
Đồng quan điểm ngành Hàng không đang có nhiều cơ hội để phục hồi và phát triển, TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng có liên quan tới hoạt động của ngành Hàng không.
Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và các hình thức công tư hỗn hợp để đa dạng hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh tốc độ nâng cấp, mở rộng hệ thống này theo yêu cầu của thị trường cũng như đổi mới và hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống.
Tiếp tục chuẩn bị và sớm triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành Hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều để các hãng hàng không Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong thâm nhập và khai thác.
Trước mắt, Nhà nước cần tiếp tục đàm phán để mở rộng phạm vi thừa nhận "hộ chiếu vắc xin" của Việt Nam, thỏa thuận các quy trình, thủ tục với hành khách bay đi và đến Việt Nam để tạo điều kiện cho hành khách...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.