Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng bình ổn giá, cách nào đến tay người nghèo?

Đặng Loan| 09/03/2011 07:15

Thiếu hàng bình ổn giá

Chiều ngày đầu tháng 3, nhiều bà nội trợ tần ngần trước quầy bán đường và dầu ăn của Siêu thị CoopMart Nhiêu Lộc bởi những sản phẩm bình ổn giá đã hết. Trên kệ hàng chỉ còn các loại đường RE của Biên Hòa, La Ngà với giá từ 21.400 đến 22.500 đồng (đường bình ổn giá 18.000 đồng/kg). Tương tự, dầu ăn giá từ 24.500 đồng đến 25.600 đồng của hàng bình ổn cũng không còn, thay vào đó là dầu ăn bán giá thị trường, chênh lệch mỗi lít đến gần 20.000 đồng như Neptune 40.300 đồng/lít, Tường An 37.500 đồng/lít… Trả lời khách, nhân viên bán hàng thông báo là hàng bình ổn trong ngày đã hết và không dám chắc hôm sau có hay không!?

Dầu ăn được bày rất nhiều ở siêu thị nhưng không phải là hàng bình ổn giá.

Một số cửa hàng bình ổn bên ngoài cũng rơi vào cảnh tương tự. Chị Nguyễn Thị Minh ở quận Tân Bình cho biết, chị luôn chú ý mua các mặt hàng bình ổn giá để tiết kiệm chi tiêu. Thế nhưng, dọc các cửa hàng bình ổn trên đường Cách mạng Tháng Tám, chị không thể mua được dầu ăn và đường vì… hết hàng! Theo nhân viên bán hàng, vì giá chênh lệch nhiều, người chờ mua đông nên hàng có là hết liền. Có lẽ vì thế nên cửa hàng FoodcoMart của Công ty Lương thực TP trên đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình), chỉ bán cho mỗi người mua 1kg đường và 1 lít dầu ăn!

Đại diện các DN chịu trách nhiệm bình ổn cho rằng, hàng dự trữ trong kho vẫn đủ để đáp ứng 30-40% nhu cầu thị trường; hàng bình ổn giá chỉ cung cấp tới cửa hàng một lượng vừa đủ để tránh tình trạng đầu cơ găm hàng.

Dành hàng bình ổn cho người nghèo?

Bắt đầu từ ngày 1-4, TP Hồ Chí Minh bước vào đợt bình ổn giá cho năm 2011, kéo dài đến hết tháng 3-2012 với 9 mặt hàng thiết yếu (thêm mặt hàng thủy sản so với năm ngoái). Theo UBND TP, hàng bình ổn sẽ chiếm khoảng 20-30% thị phần trong những ngày thường, và dịp tết là 30-40%. Khác với năm 2010 là DN phải chốt giá không được thay đổi từ tháng 6-2010 đến tháng 3-2011, năm nay TP cho phép DN được điều chỉnh giá theo thị trường, nhưng phải bảo đảm thấp hơn ít nhất 10%. Ba mặt hàng phục vụ mùa khai trường gồm vở học sinh, cặp - ba lô - túi xách và đồng phục học sinh cũng được bình ổn giá dự kiến từ ngày 1-5 đến 31-10-2011. Lượng hàng cũng chiếm 20-40% thị phần với giá thấp hơn ít nhất 15% so với sản phẩm cùng loại.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong lúc giá điện, xăng đã tăng và các mặt hàng khác có xu hướng tăng như hiện nay thì hiệu quả bình ổn hàng thiết yếu được phát huy vì có lợi cho người dân. Tuy nhiên, chương trình này phải hướng đến người nghèo như công nhân, người dân vùng ngoại thành, nông dân. Đặc biệt, cần lưu ý phân phối hàng bình ổn cho những đối tượng nghèo đang được Chính phủ trợ cấp tiền điện vì họ không chỉ cần điện mà còn cần rất nhiều nhu cầu thiết yếu khác. Phân tích về chương trình bình ổn giá, bà Lan cho rằng hàng bình ổn không thể điều tiết, kéo giảm được giá thị trường, bởi theo quy luật thị trường thì 30% không thể nào chi phối được 70%. Như vậy, việc hỗ trợ các DN bình ổn vừa khó đạt được mục tiêu kéo giảm giá, vừa dẫn đến cạnh tranh không công bằng, không khuyến khích DN cạnh tranh hiệu quả trong nền kinh tế thị trường. Mặt khác, trong khi Nhà nước đang hướng tới điều hành các mặt hàng xăng, điện theo giá thị trường thì những mặt hàng nhiều DN tham gia, có sự cạnh tranh lại được ưu tiên bình ổn giá là không dễ.

Chính vì vậy, theo bà Phạm Chi Lan, nếu vẫn tiếp tục chương trình bình ổn giá thì tất cả hàng bình ổn phải được đưa về cho người nghèo, công nhân, người dân nông thôn để hỗ trợ họ chứ không thể bình ổn "cào bằng" tại các cửa hàng và các siêu thị trong TP vốn có nhiều người thu nhập trung bình trở lên đi mua sắm như hiện nay. Hiện một số DN đã làm được điều này nhưng chưa phải là tất cả. Hàng bình ổn giá phải đến tay người nghèo, có như thế mới đạt được mục đích kinh tế, chính trị - xã hội của chương trình bình ổn hàng hóa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hàng bình ổn giá, cách nào đến tay người nghèo?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.