(HNMO) – Bên lề Diễn đàn bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc diễn ra vào ngày 28-9 tại Hà Nội, một trong những vấn đề “nóng” được giới truyền thông quan tâm là thu tác quyền âm nhạc qua ti vi, đặc biệt là khi phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) dự định từ 1-10 sẽ thực hiện thu phí trở lại.
Khó khăn không chỉ ở ta
Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, việc thu phí ở khách sạn, các quán café từng gặp nhiều khó khăn vì vấp phải sự phản đối không chỉ ở Việt Nam mà những quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Mỹ cũng bị tương tự. Khi giải quyết vấn đề của mình, các quốc gia đã có cách xử lý riêng để phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của xã hội. Ở Việt Nam, các tổ chức liên quan đến tác quyền chưa đủ mạnh dẫn đến việc tiến hành thu phí chưa rõ ràng, gây ra những bức xúc trong dư luận thời gian qua. Ông Bùi Nguyên Hùng khẳng định, tuy đây là việc làm khó khăn đối với Việt Nam nhưng là việc làm đúng và các tổ chức thực hiện tác quyền như VCPMC cần phải có nghiên cứu đầy đủ khi đưa ra mức phí, cách thu hợp tình, hợp lý.
Diễn đàn bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc 2017. |
Ông Lim Won Son, Chủ tịch Ủy ban quyền tác giả Hàn Quốc cũng khẳng định việc khó khăn trong việc thu phí tác quyền. Ông Lim Won Son chia sẻ, tổ chức thực hiện tác quyền của Hàn Quốc đã thất bại 50% trong một số kế hoạch thu phí tác quyền. “Hàn Quốc mất rất nhiều thời gian và khó khăn để xây dựng Luật Bản quyền với những điều khoản cụ thể, việc thu phí phải có những quy định và quy trình được Bộ Văn hóa Hàn Quốc đồng ý, phê chuẩn và áp dụng trên cả nước.
Để gỡ rối cho các đơn vị thực hiện tác quyền tại Việt Nam mà cụ thể là VCPMC, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả gợi ý rằng, từ những bài học của thế giới, Việt Nam khi thực hiện thu tác quyền âm nhạc cần hài hòa được 3 lợi ích: bảo vệ được cho chủ thể – bên sáng tạo, các tổ chức/cá nhân khai thác sử dụng, đồng thời đảm bảo quyền hưởng thụ của công chúng.
Làm sao để hợp tình, hợp lý
Tại diễn đàn, rất nhiều ý kiến cho rằng, một trong những lý do khiến việc thu phí tác quyền tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì ý thức của người dân chưa cao và luật chưa có những quy định thực sự cụ thể, chi tiết cho từng mục. Hiện tại, việc thu phí tại Việt Nam cơ bản dựa trên sự thỏa thuận dân sự nên nhiều khi có việc đòi mà… không trả.
Bên lề diễn đàn, NSND Thanh Hoa, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) khẳng định: “Vài trăm nghìn, vài chục nghìn có thể không quan trọng nhưng đó là trí tuệ của nghệ sĩ và họ phải được hưởng cái quyền đó. Việc cơ bản nhất là chúng ta phải làm cho người trả tiền cảm nhận được tiền đó là minh bạch, trả đúng người được quyền hưởng lợi”.
Những vấn đề tranh cãi thu phí bản quyền âm nhạc qua ti vi vẫn chưa đi đến hồi kết. |
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc khu vực miền Bắc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cũng khẳng định, việc thu của VCPMC không đi ngược với bất kỳ công ước quốc tế nào. Tuy nhiên, trước câu hỏi cách thu như thế nào thì hợp lý để không gây tranh cãi như vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Giang thừa nhận: do hiện nay không có cách nào để xác định được khách sạn hay quán café sử dụng âm nhạc vì đó là nơi riêng tư nên VCPMC mới đưa ra mức giá 25.000 đồng/năm/phòng mà không cần biết khách sạn đó có phát nhạc hay khách có bật tivi để xem ca nhạc hay không. Mức khung giá này hiện vẫn chưa đạt được thỏa thuận, thống nhất với các khách sạn.
Trước vấn đề này, ông Bùi Nguyên Hùng cho biết, VCPMC và người sử dụng phải ngồi với nhau, thỏa thuận dân sự chứ không được áp ngay giá một cách không rõ ràng. Nếu thỏa thuận không giải quyết được thì có thể nhờ đến Cục Bản quyền tác giả hoặc đưa lên Tòa án để giải quyết.
Trả lời báo chí, ông Bùi Nguyên Hùng cũng cho biết thêm, Cục Bản quyền tác giả và Bộ VH-TT&DL sắp hoàn thành phần mềm cơ sở dữ liệu liên quan đến quyền tác giả quốc gia. Bên cạnh đó, Cục Bản quyền tác giả đang xây dựng luật riêng về tác quyền, đề xuất được sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, đưa ra một số cách thu áp dụng cho những đối tượng khác nhau dựa trên sự tham khảo của luật ở một số nước khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.