(HNMO)- Hiện nay, nhiều ngân hàng đã gần cạn hạn mức tín dụng cho cả năm. Ngân hàng Nhà nước không nới hạn mức nên nhiều ngân hàng sẽ gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng sẽ phải làm gì?
Kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng
Hết 6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 7,88%, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước (9,06%). Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm là 17%, giảm so với mức 18,2% của năm ngoái. Như vậy, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm phù hợp với định hướng điều hành của cơ quan quản lý.
Cũng như những năm trước, ngay từ đầu năm, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng cho từng tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá các điều kiện, các cân đối tài chính của từng đơn vị. Việc giao chỉ tiêu được thực hiện theo hướng những tổ chức tín dụng có tình hình tài chính tốt, đảm bảo tốt các tỷ lệ an toàn trong hoạt động được giao chỉ tiêu cao hơn và ngược lại.
Theo lãnh đạo TPBank, nhà băng này cố gắng để tăng các nguồn thu từ dịch vụ, các nguồn thu ngoài lãi khác, đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chi phí quản lý để đảm bảo kết quả kinh doanh. |
Tuy nhiên, theo thống kê, mới chỉ nửa năm, nhiều ngân hàng đã sắp hết chỉ tiêu tín dụng được giao. Cụ thể, có hơn 10 tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng từ 10%, thậm chí có nhà băng tăng trưởng tín dụng tới 16%. Trong khi đó có ngân hàng tăng trưởng tín dụng ở mức âm. Diễn biến này cho thấy tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng có sự chênh lệch lớn.
Với các nhà băng đã sắp cạn room tín dụng, việc xin nới chỉ tiêu tín dụng được họ đưa ra nhưng e rằng NHNN khó chấp thuận. Lý do là NHNN kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng và quan tâm nhiều đến chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, việc này càng khó khả thi hơn khi áp lực lạm phát rất lớn.
Từ đầu năm đến nay, đã nhiều lần NHNN nhắc nhở các ngân hàng kiểm soát tốc độ và thực hiện đúng chỉ tiêu tín dụng. Gần đây nhất, tại Chỉ thị số 04, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 đã được thông báo, đảm bảo tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; các đơn vị tại trụ sở chính NHNN không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Trả lời phỏng vấn của một tờ báo về việc liệu NHNN sẽ nhân nhượng nới room tín dụng cho các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng-Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, NHNN chưa có ý định điều chỉnh tăng trưởng tín dụng mà kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng, nhất là vào lĩnh vực bất động sản chứng khoán.
Ngân hàng sẽ làm gì?
Vậy, trong bối cảnh vẫn huy động vốn nhưng cho vay sẽ ít đi, các ngân hàng sẽ phải làm gì để đạt chỉ tiêu kinh doanh? Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập, TS Nguyễn Trí Hiếu, có lẽ biện pháp đầu tiên là ngân hàng đẩy mạnh cho vay trên thị trường 2 (nơi ngân hàng thương mại giao dịch với các ngân hàng khác và với Ngân hàng Nhà nước). Tuy nhiên, chênh lệch lãi suất giữa thị trường 1 (nơi các ngân hàng thương mại có mối quan hệ huy động vốn, cho vay, cung cấp dịch vụ với cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế) và thị trường 2 có sự chênh lệch khá lớn.
Ngoài ra, ngân hàng sẽ phải tính toán để giảm chi phí. Cùng với đó, nhà băng phải đẩy mạnh thu hồi nợ xấu, xử lý nợ xấu để cho vay mới. Bằng biện pháp này, không những ngân hàng cho vay thêm được mà tín dụng cũng tăng trưởng thực chất hơn.
Ông Nguyễn Hưng-Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), nhà băng có mức tăng trưởng tín dụng cao thuộc top đầu, cho biết, TPBank rất muốn tăng room tín dụng, vì ngân hàng có khả năng tăng trưởng tốt, nhiều phân khúc khách hàng tiềm năng và quản lý rủi ro tốt. Tuy nhiên, “chúng tôi cũng hiểu là NHNN cần kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát, nên việc nới chỉ tiêu này là khó khả thi”, ông Hưng nói.
Việc không tăng thêm được tín dụng sẽ phần nào ảnh hưởng đến thu nhập của ngân hàng, “nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để tăng các nguồn thu từ dịch vụ, các nguồn thu ngoài lãi khác để bù vào, đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chi phí quản lý để vẫn đảm bảo kết quả kinh doanh như dự kiến”, lãnh đạo TPBank chia sẻ.
Đại diện một số ngân hàng khác cũng cho biết, cùng với tăng thu từ dịch vụ, họ sẽ đẩy mạnh thu hồi nợ để bảo đảm đạt chỉ tiêu kinh doanh.
Tín dụng đem lại nguồn lợi nhuận chính của ngân hàng. Trong bối cảnh “bí” đầu ra, có ngân hàng đã điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh. Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank) là ngân hàng đầu tiên thực hiện việc này.
Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 được LienVietPostBank điều chỉnh giảm từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng, tổng tài sản từ 190.000 tỷ đồng xuống còn 180.000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 từ 170.000 tỷ đồng xuống còn 160.000 tỷ đồng, dư nợ thị trường 1 từ 123.500 tỷ đồng xuống 117.557 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu từ 12% xuống còn 10%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.