Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế xuống mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm và oan, sai

Hương Ly| 06/11/2020 10:46

(HNMO) - Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, sáng 6-11, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đã trình bày Báo cáo Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo.

Tiến độ, chất lượng giải quyết án đạt 99,9%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, từ trong 5 nghị quyết về giám sát của Quốc hội có 5 nhóm nhiệm vụ liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Bao gồm: Chống oan sai trong truy tố; nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra và truy tố để hạn chế mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; truy tố kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị; hoàn thiện quy trình truy tố tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em; ban hành thông tư liên tịch về công tác phối hợp trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Trong kỳ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận được 23 chất vấn trực tiếp tại các phiên họp, kỳ họp và thông qua phiếu chất vấn về 29 vụ, việc. 

Ngành Kiểm sát đã thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và giải quyết yêu cầu bồi thường. Qua đó, Viện Kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, hủy bỏ 78 quyết định khởi tố vụ án.

Đồng thời, Viện Kiểm sát đã trực tiếp khởi tố và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra 92 vụ án hình sự; trực tiếp hủy bỏ hơn 600 quyết định không khởi tố vụ án hoặc quyết định khởi tố vụ án; hủy hơn 3.300 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu căn cứ, trái pháp luật. Kết quả công tác kiểm sát đã góp phần quan trọng bảo đảm việc khởi tố vụ án, bắt, tạm giữ, tạm giam và điều tra đúng pháp luật; hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm và oan, sai.

Trong giai đoạn điều tra, ngành Kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố và trong suốt quá trình điều tra. Thông qua kiểm sát, Viện Kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 2.898 bị can; hủy 1.119 quyết định khởi tố bị can và 138 quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ điều tra thiếu căn cứ, trái pháp luật. 

Tiến độ, chất lượng giải quyết án của Viện Kiểm sát đều đạt 99,9% và vượt chỉ tiêu của Quốc hội. Qua công tác kiểm sát đã kịp thời phát hiện nhiều bản án, quyết định vi phạm pháp luật và ban hành hơn 5.600 kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm và giám đốc thẩm, tái thẩm đều vượt chỉ tiêu của Quốc hội, qua đó, góp phần quan trọng khắc phục oan, sai trong giải quyết án hình sự.

Kiến nghị Quốc hội 3 vấn đề

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, ngành Kiểm sát đã thực hiện nghiêm, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội về phòng, chống tội phạm tham nhũng. Viện đã thực hiện khởi tố, điều tra, truy tố, đưa ra xét xử bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp do Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát đã góp phần quan trọng bảo đảm thực hiện tốt hơn yêu cầu về bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Từ năm 2016 đến nay, kết quả chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm dần. Cụ thể, tỷ lệ trả hồ sơ năm 2018 là 3,02%, giảm 0,65%; năm 2020 còn 2,7%, giảm 0,8%.

Liên quan đến các vụ việc sai phạm về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phối hợp với các cơ quan tố tụng kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh nhiều vụ án xâm phạm đất đai được dư luận xã hội quan tâm. Trong nhiệm kỳ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã xây dựng thông tư liên tịch phối hợp trong giải quyết các vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em, dự kiến ban hành vào cuối năm 2020.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Đó là việc nhiều quy định mới của các đạo luật về tư pháp đã có hiệu lực thi hành nhưng nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đối với một số nội dung còn chưa thống nhất. 

Thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, trong 2 năm (2019, 2020) ngành Kiểm sát phải tinh giản hơn 1.000 biên chế, trong khi số vụ án hình sự khởi tố mới tăng hằng năm (năm 2019, khởi tố mới tăng 6.356 vụ, tăng 8,8%; năm 2020, khởi tố mới tăng 3.506 vụ, tăng 7%). Thêm vào đó, nhiệm vụ và trách nhiệm trong phòng, chống oan, sai, bảo vệ quyền con người của Viện Kiểm sát tăng lên rất nhiều.

Từ thực tế này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội 3 vấn đề, gồm: Tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề; tập trung giám sát những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm; đề cao vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội, nhất là đối với các cơ quan tư pháp ở địa phương, nhằm giúp cho các cơ quan tư pháp nắm bắt kịp thời, chính xác những hạn chế, tồn tại trong công tác, nhất là những nội dung gây bức xúc trong dư luận tại địa phương; bảo đảm cho ngành Kiểm sát có đủ các nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế xuống mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm và oan, sai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.