Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế trong quản trị và cơ sở vật chất tại các bệnh viện: Người bệnh còn vất vả!

Thu Trang| 23/12/2016 06:47

(HNM) - Ngay sau buổi kiểm tra đột xuất, phát hiện không ít bất cập tại Bệnh viện (BV) K cơ sở 3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra 37 BV trực thuộc Bộ Y tế. Qua kiểm tra cho thấy, ngay cả BV hạng đặc biệt, thực hiện rất nhiều kỹ thuật cao ngang tầm khu vực, nhưng còn những hạn chế, tồn tại về công tác quản trị, điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng.

Khi điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng hạn chế, các bệnh viện sẽ không thể giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải.Ảnh: Thái Hiền


Và với những hạn chế trên, câu hỏi: Đến bao giờ, người bệnh mới thoát khỏi cảnh chen chúc, chờ đợi, chầu chực, nằm ghép… mỗi khi có bệnh vẫn chưa có lời giải đáp.

Kiểm tra là ra sai phạm


Tình trạng phân biệt đối xử giữa người bệnh biếu tiền và không biếu tiền, quát mắng người bệnh, người bệnh phải nằm ghép 2-4 người/giường… tại BV K đã diễn ra trong thời gian dài. Chỉ sau khi người đứng đầu Ngành Y tế đích thân đi kiểm tra, thì tình trạng này mới được chấn chỉnh nghiêm túc. Cụ thể, BV K đã tiến hành kỷ luật 7 nhân viên y tế có thái độ ứng xử không tốt với bệnh nhân, trong đó 6 người bị phê bình, nhắc nhở, phạt tiền thưởng; 1 người bị điều chuyển công tác.

Để giải quyết những bức xúc của người bệnh, Ban Giám đốc BV K đã họp và quyết định bố trí thêm mỗi khoa một phòng 40m2, kê 20 giường xếp đủ cho lưu lượng trên 100 người truyền dịch, truyền hóa chất/ngày, giảm tải cho các phòng điều trị nội trú. Ngoài ra, kể từ ngày 19-12, Khoa Khám bệnh của BV bắt đầu làm việc từ 7h30 sáng, sớm hơn 30 phút so với trước đây… “Trong 6 đến 12 tháng tới, BV K sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn. BV đã tăng cường hộp thư góp ý, thành lập ban kiểm tra nội bộ, sẵn sàng tiếp nhận, xác minh, xử lý các ý kiến mà bệnh nhân và người nhà phản ánh” - ông Trần Văn Thuấn, Giám BV K cam kết.

Còn ở BV Bạch Mai, một trong 5 BV trên cả nước được xếp hạng đặc biệt, nhưng khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát, phía khuôn viên vườn hoa, ghế đá, vẫn xảy ra tình trạng người bệnh, người nhà bệnh nhân trải chiếu nằm la liệt… Tại khu vực Khoa Khám bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp trao đổi và hỏi thăm 5 bệnh nhân và đều nhận được phản ánh là quy trình khám, chữa bệnh (KCB) rất lâu.

Người đứng đầu Ngành Y tế lo ngại, với tình hình hiện nay, không biết khi nào BV Bạch Mai đạt được 83 tiêu chí mà Bộ Y tế đưa ra, chứ chưa nói đến đạt JCI - chứng chỉ uy tín hàng đầu thế giới về thẩm định chất lượng dịch vụ y tế và là “tiêu chuẩn vàng” tại các BV. “Thời gian tới, khi cơ sở 2 của BV đi vào hoạt động, dứt khoát không thể để cơ sở 1 hoạt động như thế này. Lãnh đạo BV xem xét thí điểm thực hiện tiêu chuẩn JCI theo từng khoa, không thể để một BV hạng đặc biệt, mỗi năm thực hiện rất nhiều kỹ thuật cao, ngang tầm khu vực mà bộ mặt chưa thực sự tương xứng” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị.

Yếu, kém sẽ không ký hợp đồng BHYT

Các cơ sở y tế của Hà Nội đã không ngừng nâng cao trình độ, nghiệp vụ và tinh thần phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong ảnh: Điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức cấp cứu ngoại - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Bá Hoạt


Đánh giá chất lượng BV ở Việt Nam đang ở vị trí nào so với khu vực, Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho rằng, Ngành Y tế đã thực hiện được 17.500 kỹ thuật, từ kỹ thuật thường quy, nhỏ cho đến kỹ thuật phức tạp ngang tầm với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân trong giai đoạn hiện nay và vẫn cần quan tâm hơn nữa. Tại ba diễn đàn quản lý chất lượng BV khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức thời gian qua, các ý kiến đều nhận định, hệ thống BV ở Việt Nam so với chất lượng mặt bằng chung còn kém về mặt quản trị, cơ sở hạ tầng, các điều kiện phục vụ người bệnh. Đặc biệt, mới có 3 BV đạt tiêu chuẩn JCI (chủ yếu là BV tư - PV) trong khi các nước cùng khu vực đã có khá nhiều BV đạt tiêu chuẩn này.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm bệnh, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Hữu nghị Việt - Đức), hằng năm, nước ta thất thoát một khoản tiền lớn do nhiều người dân có điều kiện ra nước ngoài KCB bởi ngoài chất lượng chuyên môn, chất lượng dịch vụ chăm sóc của các cơ sở y tế ở các nước tốt và toàn diện hơn nhiều so với dịch vụ chăm sóc y tế tại Việt Nam. Chỉ cần nhìn vào số lượng người nhà đi cùng để chăm sóc bệnh nhân đã có thể thấy rõ điều này. Ở các nước, người bệnh trông cậy hầu hết vào BV, trong khi ở Việt Nam, cứ mỗi người đi viện là thêm ít nhất một người thân đi cùng để chăm sóc bởi rất ít BV có chất lượng chăm sóc tốt và toàn diện.

Để nâng cao chất lượng KCB, không cách nào khác, Ngành Y tế phải được xem như là một ngành dịch vụ; y, bác sĩ phải chuyển từ thái độ "ban ơn" cho bệnh nhân sang phục vụ bệnh nhân như một khách hàng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua, Ngành Y tế đã xử lý hơn 6.000 cán bộ chưa thực hiện đúng quy chế của ngành với rất nhiều hình thức như trừ tiền thưởng, tiền lương, điều chuyển vị trí công tác... Mặc dù vậy, người đứng đầu Ngành Y tế nhận định, vẫn còn có những cán bộ y tế chưa tốt, chưa thực hiện đúng quy định của ngành, công tác quản lý BV ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt. Do đó, ngoài các giải pháp đã và đang triển khai, thời gian tới, Ngành Y tế sẽ áp dụng biện pháp, BV kém quá, người bệnh phàn nàn nhiều sẽ không cho ký hợp đồng KCB - BHYT...

Trình độ của các bác sĩ ở nước ta hiện nay đã tiến rất xa, không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới có nền y khoa hiện đại, song, để hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân và sự hài lòng của bệnh nhân thì vẫn còn một chặng đường dài và gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi nhân viên y tế, sự quyết liệt của cán bộ quản lý cơ sở y tế.

Bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng BV được đưa ra 5 mức, gồm: Kém, trung bình, khá, tốt, rất tốt. Kể từ năm 2013 đến hết tháng 1-2016 đã có gần 1.300 BV trên toàn quốc (chiếm 98,6%) tự đánh giá theo bộ tiêu chí, với kết quả điểm trung bình của BV tuyến trung ương là 3,5; tuyến tỉnh, thành phố là 2,8; tuyến quận, huyện là 2,6. Các BV ngoài công lập có kết quả đánh giá là 2,9. Theo Bộ Y tế, kể cả những BV chất lượng tốt ở tuyến trung ương vẫn tồn tại một số nhược điểm: Quá tải, bệnh nhân nằm ghép, toilet bẩn, không có bảng chỉ dẫn... cũng ảnh hưởng đến tiêu chí đánh giá. Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt 80% bệnh nhân hài lòng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các BV.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế trong quản trị và cơ sở vật chất tại các bệnh viện: Người bệnh còn vất vả!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.