(HNM) - 32.000 tấn tôm, cá của Việt Nam bị các nước nhập khẩu trả về do nhiễm kháng sinh vượt chỉ tiêu cho phép và kim loại nặng; thịt lợn xuất hiện chất tạo nạc, chất tạo màu vàng ô…
Đánh giá thực trạng, bàn về giải pháp và nêu lên những khó khăn... là các nội dung được thảo luận trong hội nghị về triển khai kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi ở các tỉnh phía Bắc do Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) và Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức ngày 10-11.
Mức độ vi phạm có chiều hướng gia tăng
Theo ông Chu Đình Khu, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), từ năm 2014 đến nay, vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có dấu hiệu gia tăng đáng báo động, nhất là với nhóm chất Salbutamol trong nuôi lợn và mới đây là chất vàng ô. Trong 10 tháng năm 2015, dưới sự chỉ đạo, phối hợp của Cục Chăn nuôi, 12 địa phương đã tiến hành lấy mẫu thức ăn tại các nhà máy, phát hiện 1/19 mẫu thức ăn dương tính với chất Salbutamol (chiếm 5,3%); 1/28 mẫu (chiếm 3,6%) thức ăn được lấy tại trang trại dương tính với chất Salbutamol; 29/263 mẫu nước tiểu (chiếm 11%) dương tính với chất Salbutamol. Tại cơ sở giết mổ, có 107/587 mẫu nước tiểu (chiếm 18,1%) dương tính với chất Salbutamol... Kết quả trên cho thấy việc sử dụng chất cấm đang có chiều hướng gia tăng, nhất là ở khu vực chăn nuôi nông hộ tại địa bàn có thị trường tiêu thụ lợn nhiều. Đáng lo ngại là đã xuất hiện trở lại việc sử dụng chất cấm của một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.
Người tiêu dùng hoang mang trước thông tin chất cấm được sử dụng trong chăn nuôi. Ảnh: Khánh Nguyên |
Mặc dù sai phạm có chiều hướng gia tăng nhưng hiện việc lấy mẫu xét nghiệm chất cấm đang gặp nhiều khó khăn. Hệ thống các phòng thử nghiệm phân tích chất cấm chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Kết quả phân tích giữa các phòng thử nghiệm còn chênh lệch nhiều, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng của thành phố đã lấy 400 mẫu xét nghiệm chất cấm, khi sử dụng phương pháp test nhanh cho kết quả 21 mẫu dương tính chất cấm, nhưng khi mang số mẫu này đi xét nghiệm ở phòng thí nghiệm lại cho kết quả âm tính. Như vậy, có việc test nhanh cho ra kết quả không chính xác, gây khó khăn cho việc xử lý tiêu hủy vì nếu chờ kết quả chính thức từ phòng thí nghiệm mất rất nhiều thời gian. Đại diện các tỉnh, thành phố đều cho rằng, kinh phí xét nghiệm tương đối cao (1 triệu đồng/1 mẫu) nên nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn ngân sách nên số lượng vụ vi phạm được phát hiện thấp hơn nhiều so với thực tế.
Cán bộ ngành chăn nuôi phải làm gương
Trước thực trạng trên, đại diện các tỉnh, thành phố đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường nguồn kinh phí để kiểm tra chất cấm trong trại chăn nuôi và cơ sở giết mổ nhằm ngăn chặn việc đưa ra tiêu thụ trên thị trường sản phẩm có chất cấm. Việc kiểm tra sẽ phải tiến hành đột xuất, không thông báo trước đối với các cơ sở kinh doanh, sử dụng thức ăn nhằm phát hiện chất cấm... Để xác định sản phẩm có chất cấm hay không cần thời gian xét nghiệm, bởi thế cần có quy định cụ thể trong việc xử lý khi phát hiện sản phẩm động vật nghi có chất cấm.
Cùng với các giải pháp để tăng hiệu quả của khâu kiểm tra, theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân công tác tuyên truyền phổ biến thường xuyên cho người chăn nuôi, người tiêu dùng và các cấp quản lý nắm được tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tới sức khỏe cộng đồng có vai trò rất quan trọng. Nếu các địa phương tổ chức được phong trào "nói không với chất cấm" trong các đoàn thể, nhân dân; khuyến khích việc ký kết không buôn bán, sử dụng chất cấm của các đối tượng trong chuỗi sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi, đại diện cơ quan quản lý cho rằng sẽ có tác dụng nhất định để hạn chế tình trạng sử dụng chất cấm gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi để có thể thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc và gắn trách nhiệm của từng khâu trong chuỗi khi phát hiện sản phẩm thực phẩm có chất cấm cũng được các đại biểu đánh giá là giải pháp cơ bản và bền vững.
Tại hội nghị, những người trong ngành chăn nuôi cũng đưa ra một giải pháp thể hiện trách nhiệm của người làm nghề. Đó là cán bộ trong ngành phải làm gương bởi qua kiểm tra có tới 80% cửa hàng kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi đều do cán bộ ngành thú y bán. Do đó, các đại biểu đề nghị: nếu kiểm tra phát hiện cửa hàng nào có bán chất cấm phải buộc thôi việc, nặng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự... đối với chính cán bộ trong ngành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.