(HNNN) - Sau 2 năm căng mình phòng, chống dịch Covid-19, nhịp sống kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường nhưng nỗi lo về ùn tắc giao thông khiến nhiều người lo ngại.
Phân vùng hoạt động xe máy, thu phí ô tô ra vào nội đô để giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường được tính đến đã lâu nhưng chưa có bước tiến mang tính đột phá. Mới đây, ngày 5-4-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025, theo đó tiếp tục yêu cầu 5 thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy tại một số quận sau năm 2030.
Bài toán hạn chế phương tiện
Theo Nghị quyết số 48/NQ-CP, 5 thành phố trực thuộc Trung ương (gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) được giao tiến tới hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy trên một số quận sau năm 2030; nghiên cứu xây dựng đề án thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Hạn chế xe cá nhân, bao gồm hạn chế xe máy hoạt động tại một số quận và thu phí ô tô ra vào khu vực nội đô theo giờ đã được Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tính đến từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có bước đột phá mang tính quyết định. Tại Hà Nội, biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó có xe máy, được chính quyền đặt ra từ năm 2015. Khi đó, Hà Nội đề xuất Chính phủ cho phép Thành phố xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Giữa năm 2016, dự thảo chương trình hiện đại hóa đô thị của Thành ủy Hà Nội đưa ra lộ trình cụ thể “từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, định hướng đến năm 2025 dừng hoạt động xe máy”. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, thời điểm này Hà Nội chưa thể cấm xe máy do thiếu phương tiện công cộng. Cuối năm 2016, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia cho lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1, từ năm 2020, Hà Nội hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ 2 ngày cuối tuần, các dịp lễ, Tết; năm 2021: Dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hằng ngày, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.
Giai đoạn 2 từ năm 2023: Dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng phạm vi hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...). Giai đoạn 3 đến năm 2025, Thủ đô cấm xe máy ở một số địa điểm trong vành đai 3.
Phiên họp HĐND thành phố Hà Nội hồi đầu tháng 7-2017 cũng đã thông qua đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Với đề án này, xe máy sẽ dừng hoạt động ở các quận nội thành vào năm 2030.
Ngành Giao thông Hà Nội sau đó muốn đẩy nhanh lộ trình hạn chế xe máy bằng cách hạn chế đăng ký mới xe máy tại các quận và một số huyện; ban hành chính sách hỗ trợ người dân thông qua việc thu mua xe máy cũ dưới 10 năm; thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm từ thứ hai đến thứ sáu.
Tính toán kỹ lưỡng, thực hiện căn cơ
Tháng 10-2019, Thành phố lấy ý kiến cho 2 phương án hạn chế xe máy: Phương án hạn chế ở 12 quận nội thành và 5 huyện chuẩn bị lên quận và phương án hạn chế theo vành đai (hạn chế từ Vành đai 3 trở vào). Vào tháng 10-2021, Hà Nội đã tiến thêm được một bước khi ngành Giao thông đã cùng tư vấn xây dựng Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” trình UBND thành phố Hà Nội. Tại Đề án này, ngành Giao thông Hà Nội và tư vấn đã xây dựng khá chi tiết về phương án thực hiện, như thu phí xe ra vào nội đô tại 87 trạm thu phí, mức phí dự kiến từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt...
Tuy nhiên, cuối năm 2021, UBND thành phố quyết định chưa trình HĐND thành phố, đồng thời giao Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nghiên cứu làm rõ thời điểm áp dụng thu phí để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành, tránh những vướng mắc về sau; kinh phí dự kiến đầu tư các trạm thu phí là nguồn vốn trong hay ngoài ngân sách và cơ chế tài chính khi thu, nộp phí. Bên cạnh đó, các bên cần nghiên cứu kỹ phạm vi áp dụng, đề xuất thí điểm theo từng bước, trước mắt là khu vực hẹp, trên cơ sở đó tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm và mở rộng theo lộ trình; tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức chính trị xã hội, sở, ngành...
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện khi trao đổi với báo chí về Đề án thu phí phương tiện ra vào nội đô, hạn chế xe máy tại một số vùng đã cho rằng, không thể nói là vận tải công cộng chưa tốt nên chưa hạn chế xe cá nhân, mà phải làm song hành. Nếu cứ để phương tiện cá nhân phát triển tự do, không có phương án kiểm soát thì vận tải công cộng không bao giờ phát triển được.
Các chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, nếu Hà Nội và các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu thực hiện hạn chế xe máy theo vùng, thu phí ô tô ra vào nội đô từ năm 2030 thì còn rất nhiều việc cần phải làm và chuẩn bị, cần đặt ra lộ trình cụ thể để triển khai. Theo chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, nêu chủ trương thì dễ, nhưng tổ chức thực hiện thì cực kỳ phức tạp. Sự cần thiết của chủ trương này ai cũng thấy rõ, bản thân ông cũng rất ủng hộ. Nhưng chính sách hạn chế phương tiện cá nhân của Hà Nội đã đề cập gần chục năm nay nhưng vẫn chưa thấy khả thi. Các vấn đề cần giải quyết khi cấm xe máy của Hà Nội là: Đặc điểm ngõ, ngách rất dài, dích dắc nên xe buýt không thể vào sâu; đất dành cho giao thông cũng như giao thông công cộng tại các quận trung tâm rất thiếu, đó là điều cần phải tính đến.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước khi xây dựng chính sách cần xác định rõ ràng, ở đây không phải là hạn chế quyền sở hữu phương tiện cá nhân của người dân mà là xây dựng giải pháp để quản lý việc sử dụng phương tiện cá nhân của người dân sao cho hợp lý nhằm đạt được mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. “Mấu chốt vẫn là quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông để làm sao đáp ứng nhu cầu đi lại một cách hợp lý cho người dân thì mới giải quyết được vấn đề. Cùng với đó, phải sửa nhiều quy định pháp luật liên quan đến các lĩnh vực này. Quy định pháp luật của chúng ta hiện chưa đủ, chưa mang tính bắt buộc thực hiện nên các đô thị vẫn ưu tiên không gian cho chung cư, công trình hạ tầng. Nhưng, như thế thì về lâu dài lại nảy sinh nhiều vấn đề, cần nghiên cứu sâu và sớm hoàn thiện khung pháp luật” - ông Minh nêu ý kiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.