(HNM) - Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2014 và triển khai công tác CCHC năm 2015 của TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Trương Văn Lắm thẳng thắn nêu rõ: "Chương trình CCHC của thành phố có những điểm sáng nhưng dân còn kêu, thậm chí không ngoại trừ khả năng cán bộ gây khó để trục lợi cá nhân.
Cần nói thẳng ra chuyện này để bàn giải pháp chấn chỉnh".
Quan điểm này đã nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ. Bởi thực tế lâu nay, các đơn vị khi làm báo cáo vẫn chưa bỏ được "thói quen" chủ yếu nêu thành tích và chỉ sơ lược về hạn chế, tồn tại.
Mới đây, trong báo báo tổng kết ngành nội vụ năm 2014, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng chỉ rõ: "Trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo, thống kê của các bộ, ngành, địa phương chưa cao, chưa thực hiện nghiêm, đầy đủ. Nội dung các báo cáo chủ yếu nêu thành tích, chưa thẳng thắn đánh giá những tồn tại, hạn chế và đề xuất phương hướng giải quyết". Điều đó cho thấy, việc làm báo cáo chưa đầy đủ, chưa hết tinh thần trách nhiệm đã khá phổ biến, trong khi công tác CCHC còn không ít bất cập...
Qua thực tế nhiều năm thực hiện CCHC, có thể thấy, không khó để các đơn vị nhìn nhận ra những hạn chế của mình, nhất là khi các đơn vị cấp trên thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra và chỉ ra thiếu sót, khuyết điểm. Cũng không khó để cơ quan làm báo cáo biết rõ đơn vị chưa thực sự quyết tâm. Cái khó ở đây là nhiều lãnh đạo cơ quan, đơn vị không vượt qua được sự nể nang, ngại va chạm. Bên cạnh đó, chất lượng tham mưu, đề xuất, hoạch định chính sách cũng chưa đạt yêu cầu, dẫn tới các giải pháp chung chung cứ nêu ra từ năm này qua năm khác mà không giải quyết được vấn đề gì vì không có lộ trình cụ thể.
Trở lại chuyện "cần nói thẳng để bàn giải pháp chấn chỉnh" mà lãnh đạo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh đã đề cập tới, thiết nghĩ ngành nội vụ cũng cần đề ra những quy định chặt chẽ hơn trong việc làm báo cáo về công tác CCHC với các hình thức như không nhận các báo cáo chỉ nêu một cách chung chung; không có đề xuất giải pháp khắc phục cụ thể với từng hạn chế... Bên cạnh đó, cần có cách nhìn toàn diện hơn về khả năng khắc phục yếu kém của đơn vị, nếu sau một thời gian nhất định vẫn còn tồn tại các hạn chế cũ thì cần xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu đơn vị đó, để bảo đảm công tác CCHC ngày một tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.