(HNM) - Hơn hai tuần sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ trình Chính phủ nghị định tiến tới việc xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, thị trường kinh doanh vàng trong nước có phần trầm lắng.
Thị trường vàng miếng sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: Chí Lâm
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về các nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó yêu cầu NHNN trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do… đã có không ít ý kiến xoay quanh vấn đề này. Có người cho rằng không nên cấm kinh doanh vàng miếng, bởi vàng cũng là một loại hàng hóa, hơn nữa vàng là phương tiện tích trữ nhằm bảo toàn vốn hiệu quả trong bối cảnh lạm phát leo thang. Một lý do khác là tích trữ vàng đã trở thành truyền thống của người dân nhiều năm nay, vì với hầu hết người dân, vàng là một loại tài sản có tính bền vững. Nhưng, có nhiều ý kiến lại đồng tình với việc ngành chức năng cần có những quy định cụ thể hơn để kiểm soát thị trường, tránh để thị trường giao dịch một cách tùy tiện như hiện nay. Thêm vào đó, người dân sẽ bớt tâm lý "găm" vàng, để nguồn tiền được chuyển sang những kênh đầu tư khác, tạo thêm của cải cho xã hội, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, việc người dân tích trữ vàng, cộng với nhiều hoạt động chưa thực sự lành mạnh trên thị trường kinh doanh vàng miếng hiện nay mang lại nhiều rủi ro và gây bất ổn cho nền kinh tế. Hơn nữa, thị trường vàng hiện nay tạo cơ hội cho những nhà đầu cơ lũng loạn thị trường, hoạt động buôn lậu vàng cũng nhờ đó mà phức tạp hơn. Vì vậy, đã đến lúc ngành chức năng cần tập trung hoạt động mua - bán vàng vào các công ty kinh doanh hay ngân hàng...
Hiện tại, thị trường vàng, ngoại tệ "hạ nhiệt". Nhà đầu tư không còn "đổ xô" mua vàng, USD để tích trữ mà giữ thái độ thận trọng hơn. Suốt hai tuần qua, bất chấp giá vàng trên thế giới biến động không ngừng, giá vàng trong nước chỉ tăng, giảm trong biên độ nhỏ. Khoảng chênh giữa giá trong nước và thế giới cũng đã được rút ngắn, chỉ còn khoảng 200.000 đồng/lượng, thay vì hàng triệu đồng/lượng so với thời điểm trước. Chiều 8-3, trên thị trường Hà Nội, vàng được giao dịch phổ biến ở mức 37,54 triệu đồng/lượng (mua vào) - 37,64 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, giá vàng trên thị trường thế giới đạt khoảng 1.427 USD/ounce (tại thời điểm 15h theo giờ Việt Nam). Nếu tính theo giá quy đổi sang VND theo tỷ giá của thị trường tự do là 21.650 VND/USD, giá vàng thế giới chỉ chênh rất ít với giá trong nước, cộng cả thuế và chi phí khác. Trước đó, giá thế giới có thời điểm "leo" đến 1.444 USD/ounce, mức giá cao nhất kể từ trước đến nay của vàng, trong bối cảnh những bất ổn về chính trị tiếp tục leo thang tại một số quốc gia và nhà đầu tư vẫn tìm đến vàng để trú ẩn cho dòng tiền. Khi nhà đầu tư thế giới không ngừng mua vàng để tích trữ, giới đầu tư trong nước vẫn giữ thái độ thận trọng và thăm dò, nên mọi giao dịch trên thị trường khá trầm lắng. Hầu hết nhà đầu tư đều chờ động thái cụ thể từ NHNN, cũng như những thông tin về việc xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư không nên quá lo lắng, bởi NHNN sẽ có lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do mà không gây bất lợi cho nền kinh tế và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Việc Chính phủ cấm kinh doanh vàng miếng là để quản lý cung - cầu về vàng, hạn chế tình trạng găm giữ, đầu cơ. NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng và trình Chính phủ nghị định quản lý kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng theo hai phương án. Đó là NHNN nhập khẩu, sau đó cho các DN kinh doanh vàng trong nước đấu thầu, hoặc giao cho một vài DN tự nhập khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.