(HNM) - Cầu Thanh Trì và đường dẫn hai đầu cầu sau nhiều năm đưa vào khai thác đã có hiện tượng xuống cấp, gây mất an toàn giao thông. Khắc phục tình trạng này, từ cuối tháng 2-2019, các nhà thầu sẽ thi công cải tạo mặt cầu và đường dẫn hai đầu cầu.
Cầu Thanh Trì xuống cấp, phải cắm biển cảnh báo mất an toàn. Ảnh: Tuấn Lương |
- Ông đánh giá thế nào về hiện trạng sử dụng cũng như những hư hỏng dẫn tới mất an toàn giao thông tại cầu Thanh Trì?
- Cầu Thanh Trì có chiều dài gần 3,1km, rộng 33,1m, có 2 mố, 105 trụ, 28 khe co giãn. Công trình được Bộ Giao thông - Vận tải đưa vào khai thác từ năm 2007 (bàn giao cho Hà Nội quản lý, khai thác năm 2010), thuộc gói thầu số 01 - dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Vành đai 3. Thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã thường xuyên chỉ đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội thực hiện duy tu, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông tham gia lưu thông trên cầu. Tuy nhiên, hiện lưu lượng giao thông trên cầu ở mức rất cao, trung bình khoảng 62.000 lượt xe/ngày, trong đó nhiều xe có trọng tải lớn đã khiến mặt cầu và đường dẫn xuất hiện các hư hỏng như hằn lún vệt bánh xe trên làn xe nằm ở dải phân cách cứng (làn xe con) trong phạm vi từ Km163+100 đến Km163+193. Tại làn xe nằm gần dải phân cách mềm (làn xe tải) bị hằn lún, trượt bề mặt do có các mô trồi cao hai bên vệt bánh, chênh cao giữa điểm đáy lún với điểm đỉnh trồi trung bình từ 5 đến 7cm. Cùng với đó, 6 khe co giãn đã bị bong bật lớp cao su tạo phẳng gây mất an toàn giao thông... Tại đường dẫn hai đầu cầu có nhiều đoạn cũng bị rạn nứt, hằn lún vệt bánh xe.
- Vậy, nhiệm vụ cụ thể trong lần sửa chữa này và thời gian dự kiến hoàn thành, thưa ông?
- Lần này, chúng tôi sẽ tập trung sửa chữa, cải tạo mặt cầu Thanh Trì và đường dẫn hai đầu cầu nhằm bảo đảm êm thuận, an toàn cho các phương tiện giao thông lưu thông trên tuyến. Tổng diện tích cần phải xử lý trên cầu là 20.374m2; hằn lún vệt bánh xe trên đường đầu cầu là 16.845m2; hư hỏng mặt đường (lún + nứt bề mặt) là 3.326m2. Nhà thầu sẽ cào bóc lớp bê tông nhựa đã bị hỏng, thảm hoàn trả lại bằng bê tông nhựa nóng polymer. Cùng với đó, 6 khe co giãn đã bị hư hỏng sẽ được thay thế bằng khe co giãn mới dạng thép cài răng lược. Hoàn thiện lại hệ thống sơn tín hiệu đồng bộ sau khi thảm lại mặt đường theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ. Các nhà thầu tổ chức thi công từ ngày 28-2, dự kiến hoàn thành trong quý II-2019.
- Trong quá trình cải tạo, cầu Thanh Trì vẫn phải phục vụ nhu cầu giao thông, vậy biện pháp thi công như thế nào để giảm thiểu ảnh hưởng việc đi lại của người dân?
- Khó khăn nhất là việc phân luồng bảo đảm giao thông, vì tuyến đường đang khai thác có lưu lượng rất cao, có khả năng gây nguy hiểm trong quá trình thi công. Để khắc phục, nhà thầu sẽ thi công từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau, sau 5h lại hoàn trả nguyên trạng để tổ chức giao thông phục vụ đi lại bình thường. Khi thi công sẽ đặt biển cảnh báo từ xa, gờ giảm tốc, bố trí 2 người hướng dẫn phân luồng giao thông từ xa đến gần...
Với khe co giãn phải thi công trong nhiều ngày do yêu cầu công nghệ về bê tông cốt thép, kỹ thuật phá dỡ… nên sau mỗi ca đơn vị thi công sẽ đậy tấm tôn thép dày, có tạo nhám, hàn đinh chống trượt để không bị xê dịch khi xe lưu thông.
- Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua việc tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì chưa hợp lý dẫn tới cây cầu này thường xuyên trong tình trạng ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
- Theo thiết kế ban đầu, cầu Thanh Trì được Bộ Giao thông - Vận tải khai thác như đường cao tốc (dành riêng cho ô tô). Tuy nhiên, do nhu cầu lưu thông của các phương tiện xe máy, xe gắn máy hai bên đầu cầu, nên Bộ đã bố trí dải phân cách mềm ngăn cách làn ô tô và xe máy. Hiện nay, ùn tắc là do lưu lượng xe quá cao, các xe trọng tải lớn, chạy đường dài qua cầu hay bị hỏng giữa đường, xảy ra các va chạm giao thông trên cầu cần thời gian để xử lý...
Trước tình hình đó, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã chủ trì cùng liên ngành điều chỉnh lại tổ chức giao thông theo hướng khai thác cao tốc tại 2 làn ô tô với vận tốc 80km/giờ; làn xe hỗn hợp (ô tô con và xe máy) vận tốc 50km/giờ chạy trong làn đường có phân cách bằng trụ bê tông luồn ống, với bề rộng 5,2m. Qua thời gian thực hiện cho thấy đây là phương án tổ chức giao thông phù hợp với thực tế khai thác giao thông hiện nay.
Để khắc phục các sự cố xảy ra trên cầu Thanh Trì, Sở đã chỉ đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội chủ động phối hợp đồng bộ với các ngành chức năng thông tin tới các đội xử lý hiện trường có chức năng giải quyết nhanh nhất, đồng thời thông báo trên Kênh VOV giao thông quốc gia để thông tin từ xa cho các phương tiện di chuyển theo lộ trình phù hợp.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.