Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hầm đi bộ - lộ nhiều bất cập

Chí Kiên - Nguyễn Tùng| 21/03/2014 05:59

(HNM) - Vài năm gần đây, người Hà Nội dần quen với việc xuống hầm để đi bộ qua những nút giao thông lớn như Ngã Tư Sở, Kim Liên. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn ngại sử dụng loại hình giao thông này cộng với việc quản lý của cơ quan chức năng còn nhiều bất cập


Xây xong rồi… khóa lại

Để giải quyết nhu cầu đi lại và bảo đảm an toàn cho người đi bộ, dọc tuyến đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân) nối với đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy), thành phố đã cho xây 11 đường hầm dành cho người đi bộ. Sáng 19-3, chúng tôi có mặt tại giao lộ Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng, một trong những nút giao thông lớn ở Hà Nội. Ở phía bên phải giao lộ, hướng từ Đại lộ Thăng Long đi vào nội đô, một hầm dành cho người đi bộ trên đường Khuất Duy Tiến vẫn trong tình trạng "cửa đóng then cài". Trong khoảng một giờ đồng hồ, hàng chục người đi bộ phải luồn lách qua dòng phương tiện giao thông đang lao vun vút trên đường, rồi băng qua dải phân cách để sang được phía đường đối diện.

Hầm đi bộ trên đường Khuất Duy Tiến (khu vực giao đường Trần Duy Hưng) trong tình trạng “cửa đóng, then cài”.


Ông Nguyễn Huy Quảng, ở tổ 2, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), bước lên vỉa hè mặt vẫn còn lo sợ: "Sang đường khổ quá! Tuổi cao sức yếu mà sang đường như thế này, bận sau chắc không dám đi nữa!". Ông Quảng kể, giờ cao điểm sáng nay, ông đứng ở vỉa hè một lúc lâu mà không thể sang được đường vì phương tiện luôn ken đặc. May là có một anh thanh niên dẫn ông sang. "Giờ đi một mình thấy nguy hiểm quá", ông Quảng nói. Trong khi đó, ngay gần nơi ông Quảng sang đường, một hầm đi bộ bị bỏ hoang từ lâu nay mà người dân chưa được dùng. Anh Thịnh, một người làm nghề buôn bán gần đó cho biết: "Từ khi xây xong, tôi chưa thấy hầm mở cửa cho người dân sang đường". Vài lần anh Thịnh thấy có người đến mở cửa, làm gì đó bên trong một lúc lâu rồi khóa lại. Tận dụng mặt bằng, một chị luống tuổi đã mở quán nước ngay trước cửa hầm đường bộ. Chị này bán hàng nước ở đây được một thời gian nhưng chưa thấy ai động đả gì.

Theo nhìn nhận của những người dân ở khu vực này, hầm đi bộ tại giao lộ Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng có vai trò rất quan trọng vì mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ở đây rất lớn, đặc biệt vào giờ cao điểm. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quảng bức xúc đặt câu hỏi: "Đường đã hoàn thành lâu lắm rồi sao đến giờ này hầm đi bộ vẫn chưa được sử dụng? Nghe đâu đầu tư cả tỷ đồng mà giờ để không thế này thì thật lãng phí". Đi dọc tuyến đường Khuất Duy Tiến sang đường Phạm Hùng, chúng tôi tiếp tục nhận thấy hầm đường bộ ở vị trí H6 cũng trong tình trạng "chưa sử dụng", cửa ra vào được khóa cẩn thận. Bên trong bụi phủ một lớp dày, trong khi bóng đèn, dây điện đang có dấu hiệu bị hư hỏng. Cũng trên đường Phạm Hùng, tại điểm giao cắt với đường Xuân Thủy, hầm đi bộ ở vị trí H1 phía bên Đại học Quốc gia Hà Nội cũng khóa cửa, phía bên đối diện thấy quây kín tôn như đang trong quá trình xây dựng.

Không chỉ tại ý thức người dân

Tuyến đường Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng có 8 hầm đi bộ đã được mở cửa nhưng rất ít người sử dụng. Hầu hết người đi bộ vẫn băng qua dải phân cách để sang đường bất chấp nguy hiểm. Điển hình là hầm đường bộ ở khu vực Bến xe Mỹ Đình đã đưa vào sử dụng từ lâu nhưng người dân vẫn qua đường theo cách cũ. Trước tình trạng này, một hàng rào dài bằng sắt hộp đã được dựng lên ở giữa dải phân cách để ngăn không cho người dân tự tiện qua đường. Chị Hương, một người bán hàng nước ở khu vực Bến xe Mỹ Đình cho biết: "Hầm đường bộ ít người sử dụng lắm. Ý thức của người dân không cao, có hầm rồi còn băng qua đường vừa nguy hiểm, vừa thiếu văn minh đô thị". Có vẻ như người dân chưa quen với việc dùng hầm đi bộ để qua đường. Chỉ trong vòng 10 phút, hàng chục người vẫn qua đường theo cách "cổ điển" trong khi hầm đường bộ hiện đại, an toàn lại vắng như chùa Bà Đanh. Anh Thắng, sinh viên năm thứ ba, Trường Đại học Giao thông Vận tải nói: Việc tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu được lợi ích từ tham gia giao thông an toàn, trong đó có việc sử dụng hầm đi bộ, cầu vượt đi bộ là rất cần thiết bởi vì Thủ đô đã, đang và sẽ tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng giao thông. Anh Thắng cho rằng, các trường học cũng cần giáo dục học sinh, sinh viên về an toàn giao thông và văn minh đô thị.

Ngược lên đường 32, đoạn từ Cầu Diễn lên đến Nhổn dài khoảng 5km có 3 hầm đường bộ đang trong quá trình hoàn thiện. Ngày 19-3, tại các điểm hầm gần phía Cầu Diễn, lác đác một vài công nhân đang thi công, phía bên trên đều gắn biển: Hầm đi bộ sang đường, công trình đang thi công và hoàn thiện. Ở công trình hầm đi bộ gần Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, bên trong mọi thứ vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện và không thấy bóng dáng công nhân làm việc.

Anh Nguyễn Minh Thanh, ở Nguyên Xá, xã Minh Khai (huyện Từ Liêm) cho biết: "Mấy ngày gần đây lại thấy có người đến xây sửa, chứ thời gian trước những hầm đường bộ này đầy nước bẩn và ngập ngụa rác. Chúng tôi sống gần đây phát ngán vì mùi hôi thối bốc ra từ những hầm đường bộ". Góp lời, anh Hưng cũng ở xã Minh Khai, bức xúc: "Đầu tư hàng tỷ đồng mà thi công cứ ì ạch, rồi bỏ hoang thế này thì xót lắm!" Ở khu vực này, người dân có muốn qua đường đúng luật cũng đành chịu.

Một "điểm sáng" hiếm hoi

Chiều 19-3, chúng tôi tới hầm đi bộ ở nút giao thông Ngã Tư Sở. Kể từ khi cầu vượt và hầm đi bộ Ngã Tư Sở được đưa vào sử dụng, nút giao thông này không còn là nỗi kinh hoàng của người tham gia giao thông nữa. Mặc tiếng xe cộ ầm ì ở trên đầu, người dân ở khu vực này đã quen với việc đi bộ và đi xe đạp qua hầm để sang đường. Dù đường lên lối xuống có vẻ rối rắm với những người lần đầu sử dụng nhưng lại là sự thanh thản, yên bình với những người già và bạn trẻ phải qua lại đây hằng ngày.

Vào giờ cao điểm buổi chiều, phía trên đường, dòng xe cộ ngày càng đông đúc. Trong hầm đi bộ, những ông già, bà cả lại rủ nhau đi bộ tập thể dục. Ông Phúc, gần 70 tuổi, nhà ở đường Trường Chinh cho biết, chiều nào cũng đi bộ ở đây vì ở trong hầm ít bụi và đỡ ồn ào hơn ở trên đường. Ở một góc sạch sẽ, mấy học sinh của Trường THPT Quang Trung ngồi lại trò chuyện trước khi chia tay nhau về nhà. Các bạn trẻ nói chuyện vui vẻ trong khi người đi bộ, người đi xe đạp qua lại đúng luật.

Tại Nhà điều hành hầm đường bộ Ngã Tư Sở ở góc đường, anh Trần Trung Hiếu đang trực ca II cùng với hai nhân viên. Công việc chính của họ là ngồi theo dõi camera qua màn hình và chia nhau đi kiểm tra quanh hầm. Làm việc hơn một năm, Hiếu chưa thấy vụ đánh nhau nào xảy ra ở dưới hầm. Thỉnh thoảng có vài bạn trẻ trượt patin quá nhanh thì anh em nhân viên xuống nhắc nhở. Ca trực của Hiếu hôm nay vui hơn ngày thường vì có nhân viên kỹ thuật xuống theo dõi việc bảo dưỡng máy bơm tiêu thoát nước chống úng ngập trong hầm.

Tuy nhiên, hầm đi bộ Ngã Tư Sở lại chỉ là một "điểm sáng" hiếm hoi trong một bức tranh có nhiều mảng tối. Các công trình hầm đi bộ có mục đích chính là góp phần tạo nên một hệ thống giao thông văn minh và hiện đại cho Thủ đô. Thực trạng những đường hầm chậm được sử dụng, dẫn đến hư hỏng, xuống cấp cùng với ý thức tham gia giao thông, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao của người dân cũng là một hình ảnh phản cảm giữa một đô thị đang từng bước được đầu tư hiện đại, văn minh. Vấn đề đặt ra hiện tại là cần tăng cường tuyên truyền phổ biến sâu rộng cho mọi người hiểu rõ tác dụng để sử dụng phương tiện hầm đường bộ góp phần giảm ách tắc và tai nạn giao thông. Bên cạnh đó cần thực hiện Nghị định số 34-CP năm 2010 về quy định xử phạt nặng đối với những trường hợp đi bộ sai luật. Với những bất cập từ nhiều phía, có vẻ như hiệu quả sử dụng hầm đi bộ chưa tương xứng với số vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng mà thành phố đầu tư cho những công trình này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hầm đi bộ - lộ nhiều bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.