Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai vạn dặm tìm dầu cho Tổ quốc

Ghi chép của Huy Thịnh| 13/01/2011 10:28

(HNMCT) - Chúng tôi bắt đầu hành trình hai vạn dặm trên không cùng Phó Tổng giám đốc TCT thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) Trần Bình Minh đi Bắc cực và Xahara để có thêm thông tin về công việc của những người tìm dầu cho đất nước ở ngoài lãnh thổ quốc gia.


Từ nhiều năm nay, khi nền kinh tế nước nhà bước vào thời kỳ phát triển, lượng năng lượng tiêu thụ ngày càng tăng khiến chúng ta phải đặt ra vấn đề bổ sung nguồn cung năng lượng vốn không phải là vô hạn của mình. Đầu tư ra nước ngoài tìm kiếm và liên doanh khai thác năng lượng là chủ trương của ngành dầu khí VN được Đảng và Nhà nước xem xét và cho phép. Vì thế, PVEP được thành lập vào tháng 5-2007 và nhanh chóng trở thành đơn vị chủ lực thực hiện mục tiêu đó. Đến nay, PVEP đã thực hiện 56 dự án, có 18 dự án ở ngoài nước, trong dó có dự án liên doanh cùng Cty cổ phần Zarubeznheft của Liên bang Nga khai thác mỏ Bắc Khoxedayu nằm trong vành đai Bắc cực thuộc khu tự trị Nhenhezky, cách Việt Nam hơn vạn dặm.

Xuất phát từ sân bay Nội Bài vào sáng đầu đông vừa có gió mùa đông bắc với 14 độ, chúng tôi đã thấy lạnh, đã có tiếng xuýt xoa. Song, cái lạnh này thật chẳng thấm tháp gì khi đặt chân đến Matxcơva trong bão tuyết và cái rét -5 độ. Vài người trong đoàn nhà báo lần đầu được biết tuyết lạnh thì thích thú lắm. “Chỉ ngày mai thôi, các bác sẽ thấy thật nhiều tuyết ở nơi chẳng thấy gì ngoài tuyết!”- Trần Bình Minh cười ý vị. Quả thực, hôm sau tuyết còn rơi dày nữa khi nhiệt độ xuống -7 độ C khiến chúng tôi phải nai nịt gần như kín mít khi làm việc ngoài trời.

2011: Thêm 1,5 triệu tấn dầu từ Bắc cực…


Đó là con số mà Phó TGĐ thứ nhất RUSVIETPETRO (Liên doanh Nga-Việt) Cao Mỹ Lợi khẳng định với chúng tôi khi ông cho biết liên doanh này chuẩn bị đưa mỏ thứ hai Viravôi vào khai thác với công suất gần 2.000 tấn / ngày, sau giai đoạn ngắn mà mỏ thứ nhất cho khối lượng như dự tính, để năm 2011 chúng ta sẽ đón dòng dầu triệu tấn đầu tiên từ khu khai thác này. Kèm theo thông tin hấp dẫn ấy, ông Lợi cho hay là Liên doanh vừa phát hiện tầng dầu gần mặt đất ở mỏ đang khai thác có trữ lượng rất triển vọng khiến năng lực khai thác của 2011 không chỉ sẽ đạt 1,5 triệu tấn mà có thể tăng lên tới 2 triệu tấn vào 2012. Còn ngài Abmaiev Vichto Xtepanovich, Tổng Giám đốc RUSVIETPETRO thì rất hài lòng cho biết: Nếu kể từ khi thành lập Liên doanh tháng 7-2008 (phía Nga giữ 51% và phía VN là 49% cổ phần) đến nay, việc dòng dầu đầu tiên từ mỏ Khoxedayu được bơm lên ngày 30-9-2010 từ tỉnh cực bắc Liên bang Nga đạt được tốc độ nhanh vào loại kỷ lục. Điều này có lý do bởi Liên doanh đã áp dụng những hệ thống thiết bị công nghệ được chế tạo theo dạng môđun cho phép giảm một nửa thời gian thực hiện công việc xây lắp trên công trường , đồng thời nâng cao chất lượng lắp đặt thiết bị do đã được lắp ráp và chạy thử tại nhà máy sản xuất. Xtepanovich còn cho biết thêm hiện tại trữ lượng dầu tại khu mỏ này được đánh giá cao hơn thẩm định ban đầu và ở mức 98 triệu tấn có thể được khai thác lâu dài. Liên doanh đang có kế hoạch khoan 12 giếng trong năm nay để có thể đáp ứng sản lượng 1,5 triệu tấn như dự kiến.

Gần hai năm qua, theo các kỹ sư Nga, khối lượng xây dựng của Liên doanh tại khu gần Bắc cực này là rất lớn với các khu giếng khoan, bể bơm, bồn chứa, đường ống dẫn dầu với chiều dài hơn 95 km trong khi kiến tạo hệ thống 200km đường nội bộ; hệ thống phát và tải điện; các khu hạ tầng kỹ thuật với hệ thống đo lường thương mại – đo đếm điện tử, hạ tầng sinh hoạt cùng hệ thống đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, tuyến đường 240 km với nhiều cầu cống phức tạp phục vụ việc vận chuyển vật tư nguyên liệu hạng nặng tới khu khai thác đã buộc họ phải xây dựng hệ thống đường trên vùng đầm lầy mà vật liệu chủ yếu là nước và hóa chất - tuyến đường băng vững chắc, cho các xe công trình tải trọng 60 tấn đủ sức vượt qua... Chao ôi, mới nghe đã thấy kỳ công trên cơ sở xiết bao gian nan, cực nhọc, bởi nơi đây gần như băng tuyết quanh năm, ngày lạnh nhất có thể tới -40 độ.

Việc Liên doanh RUSVIETPETRO thành công bước đầu trong việc khai thác các mỏ dầu ở cực bắc Liên bang Nga đang mở ra cho PVEP hướng liên doanh với các công ty truyền thống của ngành ở Nga và một số nước SNG cũ, như Kadăcxtan, Udơbêkixtan, Azecbaigian… xa hơn, với Vênêxuêla , Angiêri…gần hơn là với Inđônêxia, Malaixia. Nhằm hướng ấy, PVEP hiện có trụ sở tại Maxcơva, Angiê nhằm tăng cường công tác hợp tác, khảo sát thăm dò những khu mỏ đã được cấp phép và tiến hành khai thác.

Nhưng không phải không có những khó khăn thách thức khi chúng ta tiếp cận các thị trường này chậm hơn nhiều quốc gia, công ty lớn khác. Những khác biệt về văn hóa, lối sống, tình trạng an ninh… bên cạnh năng lực cạnh tranh còn có hạn của ta khiến mục tiêu bố sung nguồn năng lượng ngày càng chẳng dễ dàng hơn. Song thành công ban đầu ở Nga đã động viên cán bộ, công nhân dầu khí VN vươn lên để đáp ứng nhu cầu tất yếu cho ngọn lửa năng lượng tương lai.

… Đến dòng dầu Xahara năm 2013

Rời Nga, chúng tôi bay sang Angiê. Lại một chặng đường dài nữa mà có nó, chúng tôi càng chia sẻ thêm bao gian lao của những người tìm dầu nhọc nhằn nhưng quả cảm.

Thành phố Hasi Maxut, trung tâm dầu lửa của Angiêri cách thủ đô Angiê 2 giờ bay, nằm tại sa mạc Xahara. Chỉ những cát và cát. Nơi đây, vào mùa hè, nhiệt độ chênh tới 50 độ trong ngày. Ban ngày, ở dàn khoan, nóng tới 50 độ. Ban đêm, có thể xuống đến 0 độ. Rắn và bọ cạp là thứ ta có thể gặp bất cứ lúc nào. Cán bộ và công nhân VN đã làm việc trong điều kiện như vậy. Còn nữa, tại căn cứ hậu cần được bố trí và canh gác như một trại binh, cán bộ kỹ thuật dầu khí Việt Nam như những chiến sĩ hết sức có kỷ luật tuân thủ chặt chẽ những qui định công tác trên đất bạn bởi an ninh ở đây được đặt ra cực kỳ cẩn mật do các lực lượng khủng bố gia tăng hoạt động .

Mỏ dầu Liên doanh Việt Nam – Angiêri nằm ở khu vực mà trước đây MOBI đã thăm dò phát hiện có dầu nhưng vì lý do riêng đã không thể khai thác. Nguyễn Mạnh Trí, Giám đốc Dự án liên doanh thăm dò, đại diện PVEP tại Angiêri nhấn mạnh về tính quyết đoán trong thẩm định thương mại khu mỏ hai bên tiến hành thăm dò này. Sau 7 năm triển khai thăm dò, năm 2008 Liên doanh đã công bố thương mại và đang tích cực chuẩn bị cho giai đoạn khai thác trữ lượng quãng 184,3 triệu thùng dầu và khoảng 147,8 tỷ mét khối khí đồng hành ở đây. Đây là Dự án được ngaìi Bộ trưởng Dầu mỏ Angiêri đánh giá là rất hiệu quả và Dự án được ký giấy phép tiếp tục cho giai đoạn tiếp theo ngay mà không phải chờ đợi thẩm định thêm. Hiện, Dự án đang tiến hành cho năm 2011 đến 2012 với 12 giếng khai thác để có thể sớm thu 20.000 thùng/ngày vào quí 3-2013. Tiếp theo sẽ là kế hoạch hệ thống giếng khoan mới để nâng công suất khai thác lên 36.000 thùng/ngày. Tôi đã thấy khối lượng lớn vật tư thiết bị khai thác tại căn cứ của PVEP ở sa mạc Xahara với các phương tiện chuyên chở đặc dụng sẵn sàng cho một chiến dịch khai thác.

- Chúng tôi có 5 giàn khoan, trong đó có giàn khoan nước sâu hàng đầu khu vực và đang chiếm thị phần chính trong khu vực. – Trịnh Văn Lâm, Phó Giám đốc Chi nhánh TCT cổ phần khoan và dịch vụ khoan dầu khí tại Hasi Maxút nói – Vì thế, chúng tôi đã vượt qua một số nhà thầu quốc tế để giành được hợp đồng khoan thăm dò. Đáng chú ý là, anh em chúng tôi đã lập được vài kỷ lục, trong đó có tốc độ khoan và chiều sâu của khoan dài nhất một choòng. Những cố gắng này cho phép chúng tôi được của nhiều đối tác khác tại chỗ tín nhiệm.

Chứng kiến cái nóng kinh hoàng ngót 60 độ C trên sa mạc, mới chia sẻ cùng những người tìm dầu trên cát nỗi cực nhọc hiếm thấy. Cán bộ dầu khí VN tại đây llà trẻ, sức chịu đựng vì thế khá tốt. Lương Tuấn Anh, kỹ sư khoan, 31 tuổi nhưng đã có thâm niên 5 năm công tác tại đây. Cái anh chàng nhanh nhẹn tháo vát này đưa chúng tôi đi nhiều nơi như ở trên quê hương mình và giao dịch bằng tiếng Anh lưu loát với bạn bè quốc tế khiến tôi rất lấy làm nể vì.

Đêm giao thừa dương lịch 2011, chúng tôi đã cùng các bạn quốc tế đón năm mới trong khách sạn Red Sea 3 sao. Tiếng là khách sạn, kỳ thực nó giống một doanh trại quân đội hơn nhiều, bởi hai cánh cổng sắt nặng nề luôn không bao giờ mở một lúc và mức độ kiểm tra an ninh khi ra vào chặt đến mức con kiến khó lọt.

Ngày hôm sau, chúng tôi rời Hasi, về Angiê, rồi bay sang Pháp. Từ đó về Tân Sơn Nhất rồi mới bay ra Hà Nội để kết thúc hành trình. Tính ra mỗi ngày chúng tôi đi qua ba nghìn cây số. Cùng với chiều dài ấy, tôi chứng kiến nhiều vẻ khác nhau, từ gian khổ, đến vinh quang của những người đi tìm nguồn năng lượng cho đất nước trong hoàn cảnh hiện nay. Hai vạn dặm đường xa từ Bắc cực đến sa mạc dường như còn ngắn nếu so với con đường vượt biển sang Mỹ châu của ngành dầu khí khi các anh cố gắng liên kết tìm nguồn năng lượng tương lai cho những bước đi nhanh hơn cần hơn của đất nước giai đoạn mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hai vạn dặm tìm dầu cho Tổ quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.