(HNMO) - “Đến hẹn lại lên”, chuẩn bị đón năm mới, các đơn vị tổ chức sản xuất băng đĩa lại tấp nập thực hiện các sản phẩm hài để phục vụ nhu cầu giải trí của công chúng.
Hài Tết hiện nay đang thiếu kịch bản hay (ảnh minh hoạ). |
Mới là trailer đã… “nóng” mắt
Như một cách để “câu khách”, nhiều đơn vị sản xuất sản phẩm hài “tung” trailer phim trước khi chính thức ra mắt sản phẩm để thu hút sự quan tâm của khán giả. Tuy nhiên, rất nhiều trailer khi giới thiệu lại gây phản ứng ngược cho người xem, bởi sự dung tục, nhảm nhí. Năm nay, gây ồn ào nhất là trailer hài Tết “Tỉ phú đè đại gia” của đạo diễn Dương Ngọc Bảo với sự tham gia của diễn viên Quang Tèo trong vai đại gia và khá nhiều gương mặt nghệ sĩ quen thuộc. Phần lớn trailer là khoe cảnh da thịt, hở hang phản cảm của diễn viên, trong đó có cả những cảnh “nóng” khá vô duyên. Ngay khi trailer của đoạn phim này cùng hình ảnh hở hang của diễn viên được giới thiệu công khai, bộ phim đã bị dư luận “ném đá” dữ dội vì tính phi nghệ thuật.
Không chỉ bộ phim này, một loạt bộ phim khác như “Đại gia chân đất”, “Làng ế vợ 3” của đạo diễn Bình Trọng cũng chịu nhiều chỉ trích từ dư luận bởi ekip thực hiện quá sa đà vào những hình ảnh diễn viên tắm suối, khoe ngực, khoe đùi phản cảm. Cách chọc cười khán giả bằng hình thức tập trung vào cảnh ăn chơi, sa đọa, những cảnh “nóng” và ngôn ngữ dung tục… đã khiến nhiều người xem phải “đỏ mặt” thay vì cười vui. Sau khi hoàn tất bộ phim này, nữ diễn viên của “Đại gia chân đất” - Lương Thanh Hằng thành thật chia sẻ rằng, cô phải “méo mặt” khi đóng những cảnh mát mẻ trong phim. Nghệ sĩ Quang Tèo cũng ngậm ngùi thổ lộ sự tiếc nuối khi thực hiện quá nhiều cảnh phản cảm khiến cho khán giả thất vọng.
Nhiều sản phẩm hài khiến khán giả “đỏ mặt” vì có nhiều cảnh khoe da thịt không cần thiết (ảnh phim: Đại gia chân đất) |
Thế mới thấy, hài vui chưa thấy đâu, chỉ biết phim mới manh nha giới thiệu cảnh “hot” đã bị người xem quay lưng vì nhạt nhẽo và dung tục. Dù đạo diễn có cố lý giải rằng, những cảnh “nóng” đấy là để phục vụ cho mục đích phê phán thói hư tật xấu của một bộ phận người trong xã hội… nhưng rõ ràng, với trực quan của người xem, không hẳn cứ trần trụi khoe thân thì mới thể hiện được ý tưởng tốt.
Cạn kịch bản, hài Tết không còn là “số 1”
Những năm gần đây, với cách làm hài dễ dãi, gây cười chủ yếu bằng hình ảnh phản cảm, dung tục, các phim hài đang dần đánh mất thị phần trong thị trường giải trí đầu năm. Nhiều nghệ sĩ vì quá sa đà vào thể hiện những cảnh nhảm nhí cũng dần đánh mất thương hiệu của mình, thậm chí để lại hình ảnh xấu cho khán giả. Rất nhiều khán giả cho rằng, ngày Tết là để sum họp gia đình, cùng nhau xem những sản phẩm văn hoá, giải trí vui vẻ, vì thế những bộ phim hài dung tục, bậy bạ cả về lời thoại lẫn hình ảnh khiến cho nhiều gia đình phải “tắt” sớm để không làm ảnh hưởng đến con trẻ.
Khán giả vẫn chờ đợi những sản phẩm hài, vui vẻ vào dịp Tết (ảnh: Chương trình Táo quân) |
Khi được hỏi về vấn đề này, rất nhiều nghệ sĩ bày tỏ sự phản đối. Theo đạo diễn Quốc Quân, nếu phim hài Tết cứ mãi lạm dụng cảnh “khoe da thịt”, khán giả ắt sẽ tẩy chay và quay lưng. NSƯT Xuân Bắc cũng từng cho rằng, trong hài thường hay sử dụng các thủ pháp “tục mà thanh”, “thanh mà tục”… sự “tục” nếu được “nêm” vừa đủ và đúng thì có thể tạo hiệu ứng cho hài, nhưng nếu đạo diễn quá tay lạm dụng thì nó thành phản cảm. NSƯT Chí Trung, quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - đơn vị nghệ thuật có nhiều sản phẩm hài - cũng cho biết, diễn hài mà dùng mọi lời lẽ, hành động phản cảm để “cù” khán giả cười thì gọi gì là hài. Người nghệ sĩ phải làm khán giả cười đấy nhưng vẫn phải ngẫm dựa trên cốt lõi của câu chuyện, sự duyên dáng trong cách diễn của nghệ sĩ, khi ấy mới gọi là thành công.
Trong một lần trả lời báo chí về hài Tết, nhà báo Lại Văn Sâm cũng cho rằng: “Sản phẩm nào cũng vậy, muốn hay phải có kịch bản tốt. Nghệ sĩ không thể diễn hay khi kịch bản quá dở, họ chỉ có thể bớt dở hơn so với những người diễn không chuyên thôi”.
Hiện nay, viết kịch bản hài được xem là uy tín, ở miền Bắc vẫn quanh quẩn những gương mặt quen là tác giả Đinh Tiến Dũng, Đỗ Minh Tuấn… Bởi thế, để có được kịch bản hài hay quả là bài toán không dễ giải đối với đơn vị sản xuất. Ngay cả những sản phẩm hài có thương hiệu như “Gặp nhau cuối năm”, “Táo quân”… vài năm trở lại đây tiếng cười cũng không còn ròn rã, báo hiệu sự bế tắc về kịch bản của đội ngũ thực hiện.
Năm 2018, đếm sơ sơ cũng có ngót 10 sản phẩm hài chuẩn bị ra mắt ở thị trường giải trí phía Bắc. Các sản phẩm được thực hiện bằng nhiều hình thức như sân khấu, ghi hình, quay DVD, phim Tết… Dù khán giả phần nào bớt hào hứng xem hài nhưng họ vẫn mong mỏi tìm được sản phẩm giải trí thú vị cho đầu năm mới. Đó là động lực để các đơn vị sản xuất nếu muốn duy trì thương hiệu chẳng còn cách nào khác là đầu tư chất lượng sản phẩm.
Đừng biến hài Tết thành sản phẩm mua vui với hình ảnh xấu xí, thô tục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.