Liên tiếp lập những kỷ lục mới về doanh thu, các chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới cho thấy các siêu sao trong lĩnh vực âm nhạc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Nhiều nước đã "bạo chi" để được lựa chọn là điểm đến của những tour diễn có khả năng mang lại cả tỷ đô la.
Tour diễn tỷ đô
Các ca sĩ nổi tiếng như Taylor Swift, Beyoncé... có tác động rất lớn đến ngành công nghiệp âm nhạc thế giới và hơn thế nữa. Chuyến lưu diễn “Eras Tour” của Taylor Swift diễn ra từ tháng 3 năm 2023, dự kiến kết thúc vào tháng 12-2024, sẽ đi qua các lục địa Úc, châu Âu, Nam Mỹ, châu Á và Bắc Mỹ. Từ tháng 5 đến tháng 10-2023, Beyoncé thực hiện “Chuyến lưu diễn thời Phục hưng” xuyên Bắc Mỹ và châu Âu để kỷ niệm
việc phát hành album thứ bảy “Renaissance”. Bất cứ nơi nào hai ca sĩ kiêm nhạc sĩ này tổ chức chuyến lưu diễn của họ, việc bán vé, hàng hóa đều trở nên sôi động, số tiền mà người hâm mộ bỏ ra để đến và mua sắm liên quan tour diễn có sức ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương. Chẳng hạn, một đêm diễn trong “Eras Tour” vào ngày 26-5-2023 tại sân vận động MetLife ở East Rutherford, New Jersey (Mỹ) kéo dài ba giờ rưỡi với 44 bài hát đã thu về hơn 780 triệu USD.
“Renaissance World Tour” của Beyoncé cũng không kém cạnh, đã thu về 579,8 triệu USD. “Renaissance World Tour” gồm 56 buổi biểu diễn tại 15 thành phố trên khắp châu Âu và Mỹ.
Trong “Eras Tour”, do nhiều người di chuyển đến các thành phố khác ở xa nơi họ sống nên các khách sạn, nhà hàng và hệ thống giao thông đã chứng kiến doanh thu tăng đột biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn như New York, Los Angeles và Nashville (Mỹ). Chuyến lưu diễn dự kiến tạo ra khoảng 5 tỷ USD chi tiêu của người tiêu dùng ở Mỹ. Thậm chí, doanh thu trong đêm khai mạc của Taylor Swift ở Glendale, Arizona, còn nhiều hơn cả doanh thu mà Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ (Superbowl) có được vào tháng 2-2023. Hầu hết những người đi xem hòa nhạc chi trung bình 1.300 - 1.500 USD cho mỗi buổi hòa nhạc, bao gồm trang phục, khách sạn, nhà hàng, chi phí di chuyển... Chuyến lưu diễn của cô đã mang lại 450 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ, thậm chí còn tạo ra 12 triệu peso (tiền Mexico) và công suất phòng khách sạn đạt khoảng 70% ở Mexico.
Chuyến lưu diễn của Beyoncé có tác động đến nền kinh tế thế giới. Giá khách sạn ở Paris đã tăng 4,3% trong tháng 5-2023 khi cô lưu diễn ở đó. Ở London, doanh số bán hàng tăng 30% ở các khu mua sắm; các doanh nghiệp địa phương cũng có sự gia tăng lưu lượng truy cập. Theo New York Times, vào cuối chuyến lưu diễn của mình, Beyoncé tạo ra gần 4,5 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ, tương đương số tiền mà Thế vận hội Bắc Kinh 2008 đem lại cho Thủ đô của Trung Quốc...
Một số chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng sẽ tiếp tục chi nhiều tiền cho các buổi hòa nhạc và các hình thức giải trí trực tiếp khác bởi các sự kiện trực tiếp là một trải nghiệm độc đáo giống như cách người ta không tiếc chi tiền để đến xem các giải bóng đá lớn.
Bạo chi để trở thành điểm đến
Thấy được khả năng “hái ra tiền” nhờ các siêu sao từ sớm, Singapore đã nỗ lực tận dụng tiềm năng của các sự kiện quy mô lớn để thúc đẩy nền kinh tế. Điều này được minh chứng bằng thỏa thuận đặc biệt với một trong những nghệ sĩ biểu diễn được mong đợi nhất, Taylor Swift.
Thỏa thuận mang tính đột phá để biểu diễn độc quyền tại Singapore được cho là liên quan đến việc trả cho nghệ sĩ số tiền lên tới 3 triệu USD cho mỗi buổi diễn từ ngày 2 đến ngày 9-3 vừa qua. Với hơn 300.000 vé được bán cho những người hâm mộ cuồng nhiệt, tác động của đêm nhạc đến nền kinh tế Singapore được đánh giá là rất đáng kể với mức tăng ước tính khoảng 370 triệu USD. Dữ liệu từ công ty du lịch trực tuyến Klook chỉ ra rằng, khách du lịch tham dự các buổi hòa nhạc hoặc các sự kiện khác có thể chi thêm khoản tiền gấp 4 - 5 lần mệnh giá vé khi đến điểm đến.
Nhiều tháng trước chuyến lưu diễn "Eras Tour" của Taylor Swift tại Singapore, người ta đã thấy rõ sự mong đợi. Khi vé được bán vào tháng 7-2023, nhu cầu về chuyến bay và phòng khách sạn trong tháng 3-2024 đã tăng vọt. Theo thống kê của Agoda, số lượt tìm kiếm chỗ ở tại Singapore đã tăng gấp 160 lần. Hơn nữa, sáng kiến du lịch của Singapore đã đạt được thành công khi 70% số người xem buổi hòa nhạc đến từ nước ngoài.
Nhiều người hâm mộ đã không để chi phí ngày càng tăng của chuyến lưu diễn “Eras Tour” làm họ nản lòng, ngay cả khi chi phí vé máy bay và chỗ ở tăng cao. Dù giá khách sạn trung bình hằng ngày tăng từ 256 USD lên 400 USD, những người đam mê vẫn tiếp tục đặt phòng, cho thấy sức hấp dẫn của việc được trải nghiệm buổi hòa nhạc trực tiếp với nghệ sĩ mà họ yêu thích.
Hiện tại, Singapore vẫn đang theo đuổi việc phát triển ngành du lịch theo hướng “ăn theo” các sự kiện giải trí tầm cỡ, tận dụng vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng để thu hút nhiều hơn nữa những buổi biểu diễn đẳng cấp thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.