Du lịch

Hà Nội đã phát huy giá trị di tích, di sản để tạo nên sản phẩm du lịch

Tiến Thành 05/06/2024 - 17:17

Chiều 5-6, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá, Hà Nội đã phát huy giá trị di tích, di sản để tạo nên sản phẩm du lịch.

vuthilienhuong.jpg
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn Quảng Ngãi) chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn.

Về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm do đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn Quảng Ngãi) chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã lựa chọn thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương, những tín hiệu bước đầu khá tích cực.

“Như Hà Nội đã phát huy giá trị di tích, di sản để tạo nên sản phẩm tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chủ đề “Tinh hoa đạo học”, ở Ninh Bình có “Đêm cố đô Hoa Lư”, thành phố Hồ Chí Minh có “Sắc màu đêm Sài Gòn”… thu hút và đáp ứng một phần nhu cầu của du khách”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng đây là lĩnh vực mới và khó, không chỉ một ngành làm được bởi du lịch là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều cấp, ngành. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Bộ đã đề xuất với các địa phương nghiên cứu để giải quyết vấn đề quy hoạch khu phát triển kinh tế đêm, sản phẩm kinh doanh, bố trí hoạt động văn hóa nghệ thuật, bảo đảm an ninh trật tự, chế độ chính sách… “Hướng tiếp cận từ địa phương bởi đây là hoạt động kinh tế diễn ra tại địa phương. Bộ sẽ gợi mở một số nhóm sản phẩm du lịch, dịch vụ phù hợp với địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

vanhoa2.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn.

Về sản phẩm du lịch đêm do đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) chất vấn, Bộ trưởng nêu rõ, hiện tại không có vướng mắc, các quy hoạch đã được phê duyệt, các địa phương cũng đã công bố quy hoạch. Còn gói sản phẩm về du lịch đêm mà Bộ đưa ra thì mang tính chất hướng dẫn, thí điểm. “Nhưng chúng ta cũng phải xác định nguyên lý của thị trường: Bán cái người ta cần, chứ không phải bán cái mà mình có”, Bộ trưởng nói.

Về các giải pháp phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long do đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) chất vấn, Bộ trưởng nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và ngành kinh tế tổng hợp. Do đó, có nhiều giải pháp phát triển lĩnh vực này. Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch 6 vùng kinh tế theo nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị, trong đó đều xác định các tuyến, trục, khu vực kết nối trong lĩnh vực du lịch, dựa trên kết nối giao thông là kết nối trọng yếu để phát triển các ngành dịch vụ khác.

lethithanhlam.jpg
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) phát biểu chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đối với đồng bằng sông Cửu Long cũng đề cập các sản phẩm du lịch có lợi thế, như du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, trải nghiệm về thiên nhiên, cảnh quan và văn hóa bản địa. Những sản phẩm đó hiện nay đang được nhận diện, thu hút khách du lịch, còn nhiều điểm phát triển tốt và trở thành thương hiệu. Mỗi một vùng quê của khu vực này có một sản phẩm và quan điểm mỗi tỉnh có sản phẩm đặc sắc.

Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới cần liên kết, kết nối với thành phố Hồ Chí Minh - điểm đầu tàu để liên kết giữa đồng bằng sông Cửu Long với miền Đông Nam Bộ; liên kết các sản phẩm du lịch thông qua kết nối tour, tuyến và xây dựng các sản phẩm du lịch mới để đáp ứng được du khách. “Hy vọng với cách tiếp cận như vậy, chúng ta dần dần thúc đẩy vùng có nhiều tài nguyên về du lịch chưa được đánh thức”, Bộ trưởng nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đã phát huy giá trị di tích, di sản để tạo nên sản phẩm du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.