Na Uy và Tây Ban Nha đã bác bỏ ý tưởng của Mỹ về việc trục xuất người Palestine khỏi Gaza với nhận định đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc di dời người Palestine tại Gaza đến Jordan và Ai Cập đã vấp phải nhiều phản ứng mạnh mẽ. Tại cuộc họp của các Ngoại trưởng G20 ở Johannesburg, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide và người đồng cấp Tây Ban Nha Jose Manuel Albares tiếp tục lên tiếng phản đối ý tưởng của nhà lãnh đạo Mỹ.
“Người dân Palestine ở Gaza phải ở lại Gaza”, hãng thông tấn Anadolu dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Jose Manuel Albares, ngày 22-2 (giờ địa phương). Chính trị gia này cũng nhấn mạnh, Madrid cam kết hỗ trợ người Palestine thông qua hoạt động viện trợ nhân đạo và nỗ lực tái thiết.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Espen Barth Eide cũng bày tỏ quan ngại, cho rằng kế hoạch của Tổng thống Donald Trump vi phạm luật pháp quốc tế. Đồng thời, ông cũng đề cập đến tầm quan trọng của những nỗ lực cải thiện điều kiện sống và bảo đảm quyền được thành lập một nhà nước của người Palestine.
Hồi đầu tháng 2, Tổng thống Donald Trump từng đề cập đến ý tưởng tiếp quản Gaza tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Nhà Trắng. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, người dân Gaza không có lựa chọn nào khác ngoài việc rời vùng lãnh thổ này để chuyển đến những khu định cư mới ở các quốc gia láng giềng.
Động thái của Tổng thống Donald Trump ngay lập tức bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Giới chuyên gia pháp lý và các tổ chức nhân đạo cũng cảnh báo, kịch bản cưỡng bức di dời người Palestine có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan kế hoạch tái thiết Gaza hậu xung đột, các quốc gia Arab đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của Ai Cập. Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdel Ati tuyên bố, sáng kiến này có thể nhận được 20 tỷ USD tài trợ trong 3 năm từ các quốc gia vùng Vịnh và Arab.
Dự kiến, hoạt động tái thiết sẽ được chia làm 3 giai đoạn. Mục tiêu của giai đoạn đầu tiên bao gồm việc dọn dẹp các đống đổ nát, cung cấp nhà ở tạm thời cho người dân Gaza và tiếp tục viện trợ nhân đạo.
Ở giai đoạn kế tiếp, một hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức để thảo luận về công cuộc tái thiết Gaza và bảo đảm người dân vùng lãnh thổ này không phải di dời.
Giai đoạn cuối cùng sẽ tập trung vào những nỗ lực khởi xướng một tiến trình chính trị cho giải pháp hai nhà nước, mở ra con đường hướng tới hòa bình và ổn định lâu dài cho Gaza.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.