Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai nửa vui - buồn

Thùy An| 28/08/2014 06:48

(HNM) - Ngày 26-8, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo về việc tổ chức Giải Vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 32 - Cúp PV - Đạm Cà Mau 2014.

Vận động viên Nguyễn Thị Nga.


Giải Vô địch quốc gia là giải đấu đỉnh cao trong hệ thống thi đấu quốc gia, trừ khi trong năm đó có ĐH TDTT toàn quốc. Khi công tác xã hội hóa trong làng bóng bàn Việt Nam chưa được đẩy mạnh như vài năm gần đây, việc tồn tại Giải Vô địch quốc gia trong năm diễn ra ĐH TDTT toàn quốc hay không thường không được đặt ra. Hiểu nôm na thì trong năm đó, việc không có Giải Vô địch quốc gia riêng rẽ là đương nhiên bởi bóng bàn đã có "đất" tại ĐH TDTT toàn quốc, mà ở đó, hình thức thi đấu cũng không khác Giải Vô địch quốc gia. Có khác thì chỉ là mức độ quan trọng của việc giành thứ hạng cao đối với mỗi đơn vị dự giải bao giờ cũng được đề cao gấp nhiều lần so với khi dự Giải Vô địch quốc gia. 

Giải Vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 32 diễn ra tại Đắk Lắk từ ngày 6 đến 10-9 với sự tham dự của 11 đội và gần 100 tay vợt. Các VĐV thi đấu ở 7 nội dung là đồng đội (nam, nữ), đôi (nam, nữ), đơn (nam, nữ), đôi nam - nữ. Tổng giá trị giải thưởng của giải là 195 triệu đồng - gấp hai lần so với giải năm ngoái và lớn nhất trong lịch sử tổ chức Giải Vô địch bóng bàn quốc gia.

Tuy thế, khi các đội bóng doanh nghiệp ra đời theo đà tiến của công tác xã hội hóa hoạt động thể thao, kiểu như mô hình CLB Hà Nội T&T hoặc đội bóng gắn liền với tên doanh nghiệp, như Petrosetco - TP Hồ Chí Minh, Xi măng Hoàng Thạch Hải Dương… thì câu chuyện lại khác. Các doanh nghiệp gắn tên với đội bóng hoặc bỏ tiền nuôi toàn bộ đội bóng cũng cần quảng bá thương hiệu mỗi khi đến kỳ giải trong hệ thống thi đấu quốc gia, đặc biệt là ở Giải Vô địch quốc gia. Tuy nhiên, khi giải được tổ chức trong khuôn khổ ĐH TDTT toàn quốc, điều lệ quy định là chỉ những đội mang tên tỉnh, thành, ngành mới được tham dự, bởi thế mà những đội bóng hoàn toàn của doanh nghiệp hoặc gắn với tên doanh nghiệp không còn giá trị quảng bá thương hiệu, doanh nghiệp thiệt thòi mà đội bóng cũng "khó ăn khó nói" với nhà tài trợ. Cách đây 4 năm, Trưởng đoàn Bóng bàn Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trương Thới Nhiệm đã đề cập đến điều bất cập trên khi bàn về lịch thi đấu của giải quốc gia năm đó. 2010 cũng là năm có tổ chức ĐH TDTT toàn quốc và Giải Vô địch bóng bàn quốc gia được lồng ghép vào chương trình thi đấu của đại hội, thế là Tập đoàn Dầu khí quốc gia mất dịp quảng bá tên tuổi, hình ảnh dù họ bỏ tiền nuôi dưỡng bóng bàn.

Năm 2014 này cũng diễn ra ĐH TDTT, trong chương trình thi đấu vẫn có môn bóng bàn. Theo lệ cũ, một giải vô địch quốc gia riêng sẽ không được tổ chức trong năm nay nhằm tiết kiệm kinh phí cho ngành thể thao. Tuy vậy, lần này, đơn vị tham gia tổ chức Giải Vô địch quốc gia là Báo Nhân Dân đã có những động thái tác động để Giải Vô địch quốc gia vẫn được tổ chức bình thường bên cạnh ĐH TDTT toàn quốc, trong đó, điều quan trọng nhất là tìm ra nhà tài trợ để giải bài toán kinh phí. Sự cố gắng đã mang lại kết quả khả quan: Hơn hai tháng trước, hệ thống thi đấu quốc gia năm 2014 của môn bóng bàn "phát sinh" Giải Vô địch quốc gia. Đó là tin mừng bởi VĐV có thêm cơ hội thi đấu, trong khi các doanh nghiệp sát cánh với bóng bàn không lo bị "mất tên".

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sau quyết định tổ chức Giải Vô địch quốc gia trong năm 2014, liệu "tin mừng" có xuất hiện trong những năm có tổ chức ĐH TDTT toàn quốc tiếp theo? Ngày 26-8, tại cuộc họp báo, khi trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, đại diện Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cũng không chắc chắn về việc tổ chức một Giải Vô địch quốc gia riêng trong năm diễn ra ĐH TDTT tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai nửa vui - buồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.