(HNM) - Bên lề hội thảo chuyên môn định hướng công tác đào tạo bóng đá trẻ vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Hwangbo Kwan, Giám đốc Kỹ thuật (GĐKT) LĐBĐ Hàn Quốc cho rằng một GĐKT cần xây dựng kế hoạch đào tạo trẻ lâu dài mới có thể bảo đảm sự tác động sâu về chất của một nền bóng đá.
Muốn ra sân thường xuyên, Xuân Trường phải hòa nhập tốt hơn ở Hàn Quốc. |
- Ông có thể chia sẻ đôi chút về vai trò của GĐKT trong sự phát triển của bóng đá Hàn Quốc và trong bóng đá hiện đại nói chung?
- GĐKT giữ vai trò quan trọng trong đào tạo, hướng dẫn HLV, cầu thủ, đặc biệt trong khâu đào tạo trẻ. Ở Hàn Quốc, từ dịp đồng đăng cai World Cup năm 2002, vị trí GĐKT đã xuất hiện để góp phần tạo những bước phát triển mạnh mẽ, bên cạnh việc đầu tư sân bãi và đào tạo bóng đá trẻ. Giữ vai trò GĐKT ở LĐBĐ Hàn Quốc từ năm 2011 đến nay, tôi rất hài lòng với sự quan tâm và ủng hộ của HLV, cầu thủ các CLB, đặc biệt là sự ủng hộ của Chủ tịch LĐBĐ Hàn Quốc. Tôi nghĩ thực sự rất đáng tiếc khi 10 năm qua Việt Nam không có GĐKT.
- Theo ông, bao lâu là đủ dài để một GĐKT có thể tác động sâu về chất của một nền bóng đá?
- GĐKT phải đồng hành trong công tác đào tạo các lớp cầu thủ, từ lứa tuổi trẻ đến cấp độ ĐTQG. Nghĩa là thời gian gắn bó cần phải dài, có chiến lược dài hạn, trên cơ sở là phải nhận được sự trao đổi, sự tôn trọng, hỗ trợ từ các HLV, bởi đây thực sự là một vị trí rất khó làm và nhiều áp lực.
- Mới đây, VFF đã ký hợp đồng GĐKT 2 năm với một người Đức, ông nghĩ sao về thời hạn này?
- Hai năm chắc chắn không đủ và rất khó để có thể đóng góp vào sự phát triển của nền bóng đá nước nhà. Khi làm ở LĐBĐ Hàn Quốc, tôi phải phối hợp chặt chẽ với HLV trưởng ĐTQG trong việc tuyển chọn cầu thủ, chuẩn bị đội hình trước trận đấu. Là người làm việc chuyên trách cho LĐBĐ, tôi cũng phải đưa ra các tầm nhìn trung và dài hạn (tối thiểu là 5 năm) cho nền bóng đá; đồng thời phải có sự liên kết, làm việc với lãnh đạo liên đoàn, nhận được sự tôn trọng của HLV, những người trực tiếp huấn luyện các cầu thủ trẻ với mục tiêu là nâng cao chất lượng chuyên môn của các đội tuyển.
- Việt Nam cũng có những cầu thủ được đào tạo bài bản, ví như Lương Xuân Trường đang thi đấu ở K-League. Tuy nhiên, Trường rất ít được ra sân. Ông có lời khuyên nào cho các cầu thủ trẻ Việt Nam trong việc chinh phục đấu trường K-League?
- Tôi nghĩ không phải vội. Những cầu thủ như Lương Xuân Trường có năng khiếu, triển vọng, được đào tạo cơ bản. Chỉ cần thêm ít năm nữa, khi đã thích nghi với môi trường phát triển bóng đá tại Hàn Quốc (cả trong ăn uống, ngôn ngữ, văn hóa) chắc chắn Trường có thể phát triển tốt hơn nữa trong tương lai. Nhìn chung, các cầu thủ Việt Nam có kỹ thuật tốt, chỉ cần chú ý thích nghi môi trường để phát triển tối đa thể lực. Để đưa nền bóng đá đi lên một cách bền vững, không gì khác là phải bảo đảm sự song hành giữa đào tạo cầu thủ và đào tạo HLV - coi như hai cột trụ của nền bóng đá, trên cơ sở phát triển mô hình bóng đá học đường và mô hình bóng đá CLB.
- Có trường hợp nào ở Hàn Quốc, cầu thủ không được đào tạo bài bản, nhưng nhờ bộc lộ năng khiếu khi chơi ở giải phong trào mà được gọi vào và thi đấu ở đội tuyển không, thưa ông?
- Rất hiếm, nếu không nói là không có trường hợp nào. Tiêu chuẩn của bóng đá hiện đại rất cao, cầu thủ cần được đào tạo bài bản mới có thể bảo đảm khả năng ở cấp độ đội tuyển quốc gia.
- Cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.