Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hãi hùng nước rửa bát “3 không”

Hồng Loan| 20/01/2010 07:00

(HNM) - Với giá chỉ bằng 1/4 nước rửa bát có tên, các loại nước không nhãn mác, có thành phần "vô tội vạ" được bán công khai trên thị trường có thể gây hại cho sức khỏe con người. Các bác sỹ của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) và Viện Da liễu quốc gia đều khẳng định như vậy. Nhưng hầu hết các cửa hàng ăn uống, nhất là quán ăn đường phố đều dùng loại nước này để rửa chén, bát.

Bán ngang nhiên

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Quản lý thị trường đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính một số cơ sở kinh doanh và cửa hàng ăn uống sử dụng loại nước rửa bát không rõ nguồn gốc nhưng gần như không đem lại hiệu quả. Ở nhiều tuyến phố, người ta dễ dàng bắt gặp những chiếc xe đẩy bán đủ loại chất tẩy rửa, từ nước rửa sàn nhà, bồn tắm, toilet... đến các loại nước rửa bát màu sắc đa dạng với giá rất rẻ, chỉ khoảng 3.000 đồng/lít.

Những chai nước rửa chén, bát “3 không” bày bán trên phố Hàng Gà tối 19-1.  Ảnh: Duy Tuấn

Tại phố Hàng Gà, mặt hàng nước rửa chén, bát "3 không" (không tiêu chuẩn chất lượng, không nguồn gốc và không công bố thành phần hóa chất pha chế) được bày bán rất nhiều. Bà chủ một cơ sở kinh doanh trên phố này khẳng định chất lượng của các loại nước này tại cửa hàng tốt hơn, an toàn hơn hàng bán rong, tuy nhiên không nói rõ được công thức pha chế và cơ quan chứng nhận độ an toàn.

Sử dụng công khai

Các quán ăn từ bình dân đến cao cấp sử dụng nước rửa bát độc hại để làm sạch bát đũa dường như là chuyện đương nhiên. Đáng lo ngại hơn là "công nghệ" tẩy rửa dầu mỡ, thức ăn thừa bằng thứ nước này. Chứng kiến cảnh mua bán và sử dụng nước rửa chén, bát "3 không" của chủ một cửa hàng bún chả trên phố Nguyễn Thượng Hiền, mới thấy nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại qua đường ăn uống không phải là quá xa. Có lẽ do đã hết nước rửa nên ngay sau khi mua, nhân viên của cửa hàng bún chả đổ một lượng nước rửa vào chậu nước, cho bát đĩa bẩn vào khoắng qua rồi tráng sơ sài qua một chậu nước khác. Chỉ với hai chậu nước nhỏ, một đống bát đĩa đã "sẵn sàng" phục vụ thực khách.

Dạo qua một số quán cơm bình dân xung quanh khu vực Trường Đại học Quốc gia, Sư phạm, Ngoại thương... vào khoảng giữa trưa, cảnh tượng rửa bát qua loa để kịp phục vụ lượng khách lớn là sinh viên cũng rất dễ thấy. Nhiều người, dù chứng kiến nhân viên vớt bát đĩa còn bám đầy nhớt khỏi chậu nước đục ngầu, lau qua bằng chiếc khăn màu cháo lòng rồi đựng thức ăn cho mình nhưng vẫn hồn nhiên ăn.

Không chỉ ở những quán cơm bình dân mà ngay cả ở nhà hàng cao cấp, Đoàn thanh tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cũng từng nhiều lần phát hiện những can nhựa 20 lít chứa nước rửa "3 không" tại khu rửa bát. Nhiều cơ sở bị lập biên bản, nhắc nhở, xử phạt nhưng vẫn "chứng nào tật ấy".

Tác hại khó lường

Theo các chuyên gia của Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, hóa chất sử dụng chủ yếu để làm nước rửa bát là chất tẩy rửa, chất làm đông, chất thơm... Ngoài ra còn có một số phụ gia làm mềm, phẩm tạo màu. Nếu áp dụng theo đúng công thức pha chế với một tỷ lệ hóa chất thích hợp sẽ an toàn cho người sử dụng. Nước rửa chén bát của những hãng có tên tuổi đã được đăng ký tiêu chuẩn chất lượng thường sử dụng hóa chất có tác dụng tẩy sạch là Na-LAS và phẩm màu thực phẩm còn các loại nước rửa chén bát "3 không" chủ yếu dùng kiềm và phẩm màu công nghiệp nhập từ Trung Quốc, bởi vì giá của kiềm rẻ bằng 1/7 giá của Na-LAS.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, do rửa không sạch, những hóa chất, phẩm màu độc hại có trong loại nước rửa bát "3 không" vẫn còn bám vào chén, bát mà mắt thường không thể nhìn thấy. Lượng hóa chất này dần ngấm vào cơ thể qua đường ăn uống và gây bệnh. Nhẹ thì ngộ độc, lâu dần có thể là tác nhân gây ung thư đường ruột, gan, thận... Còn chuyện người sử dụng tiếp xúc trực tiếp với loại nước này bị viêm da thì không còn là điều cảnh báo nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãi hùng nước rửa bát “3 không”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.