(HNM) - Hôm qua 14-4, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo
Hội thảo được tổ chức tại Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), nơi còn lưu giữ dấu tích, công trình kiến trúc từng là trụ sở chỉ đạo tác chiến của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, từng diễn ra những cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Quân ủy TƯ, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu, cũng là nơi ra quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Bản thân điều đó đã cho thấy tầm quan trọng của di sản này, không chỉ với ý nghĩa của một di tích cách mạng kháng chiến độc lập mà còn với vai trò di tích thành phần của khu di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long mà nhìn vào đó, có thể thấy rõ truyền thống văn hóa, truyền thống anh dũng đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, nơi lưu giữ nhiều dấu tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. |
Hội thảo đã nhận được 30 tham luận của các nhà khoa học và các nhân chứng lịch sử - những người từng công tác tại Tổng hành dinh từ năm 1954 đến năm 1995. Không chỉ khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, của Quân ủy TƯ, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu - cơ quan Tổng hành dinh tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, các tham luận cho thấy giá trị của "trung tâm đầu não" này, nơi các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiêu biểu là các đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Thứ nhất BCH TƯ Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh; Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng, Trung tướng Lê Trọng Tấn - Tổng Tham mưu phó, các đồng chí Phạm Hùng, Võ Chí Công, Hoàng Văn Thái… và nhiều tướng lĩnh khác của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là những ngôi sao sáng trong tập thể lãnh đạo của cơ quan Tổng hành dinh trung tâm, như khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn: "Cơ quan Tổng hành dinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thực sự là trung tâm đầu não, nơi đề ra những chủ trương, quyết định, kế hoạch chiến lược, chỉ thị quan trọng, đúng thời điểm, thời cơ để quân và dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi".
Càng hình dung lại những khoảnh khắc lịch sử sống động, càng nhận thức rõ trách nhiệm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích cách mạng - kháng chiến tại Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Các tham luận "Thiết lập ngân hàng dữ liệu và biên niên sự kiện cho các di tích cách mạng - kháng chiến tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long" (PGS.TS Vũ Văn Quân - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Đại học KHXH và NV, TS Lê Thị Minh Hạnh - Viện Lịch sử Đảng), "Công tác nghiên cứu, tu bổ, phục hồi và trưng bày bổ sung di tích Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu" (Ths Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội; TS. Nguyễn Huy Hạnh - Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm di sản, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội)… thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học. Tất cả đều khẳng định di tích cơ quan Tổng hành dinh có giá trị lịch sử to lớn, cần phải được gìn giữ cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Đã có nhiều ý kiến bàn về việc bảo tồn Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, trọng tâm là tạo sự hài hòa giữa các di tích thành phần và tổng thể, giữa di tích cách mạng - kháng chiến và di tích lịch sử - văn hóa của cha ông để lại. Như chia sẻ của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng các nhà khoa học: "Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới với nhiều giá trị toàn cầu, nổi bật là trung tâm đầu não chính trị trải qua bao giai đoạn, triều đại lịch sử. Chính vì vậy, công tác bảo tồn cần làm kỹ hơn, đúng tầm vai trò chính trị của nó là cơ quan quyền lực tối cao, trong cả thời chiến và thời bình. Cần có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị nhiều mặt của di tích, cả cổ xưa và hiện đại".
Phải hài hòa trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Để đạt được mục tiêu trên, theo giới nghiên cứu, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là tiếp tục sưu tầm tư liệu, hiện vật gốc, trưng bày bổ sung nhằm làm nổi bật giá trị di tích Cách mạng - kháng chiến Nhà và Hầm D67, Hầm Chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu nhằm truyền tải thông tin chính xác tới du khách trong và ngoài nước. Tuy vậy, liên quan đến tổng thể, xác định giữ cái gì, thay đổi gì là bài toán không dễ giải. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc: Giá trị của Hoàng thành Thăng Long phải là sự tích hợp của toàn bộ thời gian, không gian trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Sau hơn 5 năm được vinh danh là di sản văn hóa thế giới, chúng ta gặp không ít vấn đề cả về lý luận và thực tiễn trong việc giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn. Sắp tới, việc nghiên cứu phục dựng không gian Điện Kính Thiên cần được thực hiện thận trọng, trên cơ sở ý kiến của nhiều phía bởi đây vừa là biểu trưng của di sản văn hóa quá khứ, vừa là nơi tọa lạc công trình kiến trúc liên quan đến cơ quan Tổng hành dinh. Rất cần có cách ứng xử phù hợp để khai thác mối quan hệ biện chứng trong dòng chảy thời gian với tinh thần trách nhiệm cao".
Bàn về việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chia sẻ kinh nghiệm của TP Huế. Thứ nhất, cần phải có đề án chiến lược trong bảo tồn di sản, bao gồm di sản vật thể, phi vật thể và bảo vệ cảnh quan, môi trường. Thứ hai, cần khai thác tốt nguồn kinh phí từ bán vé tham quan trực tiếp, để sử dụng nguồn này phục vụ công tác bảo tồn di tích. Hằng năm, các di tích ở Huế thu hút chừng hơn một triệu lượt khách. Nghĩa là, nếu như Hoàng thành Thăng Long phát huy tốt lợi thế từ nguồn dân số Hà Nội, khách du lịch trong nước và quốc tế, chắc chắn việc khai thác tiềm năng sẽ là rất lớn. Thứ ba, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang phối hợp với đối tác của Pháp để xây dựng trung tâm diễn giải về di sản, cung cấp thông tin mang tính tương tác đa chiều, thông qua hồi ức lịch sử, các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật để làm nổi bật giá trị di sản Huế. "Làm như vậy có thể biến những nơi tưởng như không có gì trở nên vô cùng hấp dẫn đối với du khách. Tôi nghĩ đây có thể là một giải pháp phù hợp đối với Hoàng thành Thăng Long trong trường hợp có sự va đập giữa nhiệm vụ bảo tồn cái cổ xưa với việc bảo tồn những di tích hiện đại trên mặt đất" - ông Phan Thanh Hải nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.