(HNM) - Làm sao để nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô; làm sao giải quyết hài hòa mối quan hệ phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường..., tại hội nghị lần thứ năm BCH Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XV) các đại biểu đã sôi nổi
UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng: Có chính sách hỗ trợ các mặt hàng chủ lực
TP có trên 100.000 doanh nghiệp, với hàng vạn sản phẩm. Nhưng chỉ tính 47 doanh nghiệp trong số này với 53 sản phẩm chủ lực đã cho doanh số 31.000 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 32% doanh thu của khu vực này. Kim ngạch xuất khẩu của 47 doanh nghiệp này cũng chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp. Điều đó chứng tỏ, nếu chúng ta xây dựng được các mặt hàng chủ lực, mũi nhọn sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để tăng sản phẩm chủ lực, mũi nhọn, thời gian tới tại Thủ đô cần thiết phải hình thành một trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ, giúp cho các doanh nghiệp ứng dụng. TP cũng cần có những chính sách hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, nhất là những sản phẩm xuất khẩu được.
Thành ủy viên, Giám đốc Sở Công thương Lưu Tiến Long: Tập trung đầu tư hạ tầng thương mại nông thôn
Hiện nay, hạ tầng thương mại trên địa bàn Thủ đô hết sức yếu kém. Ở nông thôn hiện có khoảng 300 chợ cấp ba, hầu hết bị xuống cấp, không phát huy hết tiềm năng. Khu vực này cũng không có siêu thị hay trung tâm hội chợ triển lãm lớn. Các nhà tổ chức triển lãm muốn tổ chức hoạt động thương mại tại nông thôn cũng không có điều kiện thực hiện. Vì vậy, TP nên quan tâm chuẩn bị quỹ đất để xây dựng hạ tầng thương mại, hình thành mạng lưới siêu thị đến cấp cụm xã nhằm bảo đảm an ninh thị trường, thúc đẩy phát triển thương mại, nâng cao đời sống nhân dân khu vực ngoại thành.
Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Long Biên Vũ Đức Bảo: Phát huy thế mạnh các địa phương
Năm năm tới, TP cần tập trung giải quyết vấn đề về quy hoạch của ngành, xác định rõ kinh tế mũi nhọn của Thủ đô là gì; cơ cấu ngành chưa hợp lý, vì sao, cách khắc phục nó như thế nào. Thứ hai, cần quan tâm phát huy thế mạnh của các địa phương. Có ngành nghề ở Hà Nội đã ghi tên tuổi trên thế giới, ví dụ như nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), nhưng hiện nay chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để trở thành vùng sản xuất gốm sứ có quy mô lớn, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh. Trong khi các địa phương đang phải tự xoay xở, rất cần có sự định hướng, chỉ đạo và đầu tư của TP. Đây cũng là cách để Hà Nội có được các sản phẩm mũi nhọn, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Khuất Văn Thành: Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường
Thu nhập từ làng nghề hiện đang đóng góp quan trọng cho kinh tế các địa phương. Chỉ riêng 51 làng nghề đã đem lại 21-23% tổng thu nhập của huyện Hoài Đức. Đời sống người dân được cải thiện đáng kể, nhưng hiện tại nhiều địa phương đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do chưa quy hoạch được làng nghề và việc sản xuất manh mún, tự phát của người dân. Nhiều đoàn công tác của TP đến khảo sát nhưng vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ. Vì vậy, trong thời gian tới đề nghị TP tập trung xây dựng quy hoạch phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề; có chính sách khuyến khích các tập thể, cá nhân tái chế chất thải từ làng nghề…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.