Du lịch

Hà Tiên: “Thiên đường bí ẩn” của Kiên Giang

Bảo Khánh 22/07/2023 - 07:13

Nhắc đến Kiên Giang, người ta thường nghĩ ngay tới “đảo ngọc” Phú Quốc, nơi có những khu vui chơi giải trí hiện đại, hệ thống nghỉ dưỡng cao cấp mà ít người biết đến Hà Tiên. Thành phố xinh đẹp này là một dải đất hẹp nằm ở ven biển với đầy đủ các dạng địa hình: Vũng, vịnh, đồng bằng, núi, sông, hang động, hải đảo..., tạo nên nhiều cảnh quan đẹp và được ví như “thiên đường bí ẩn” của Kiên Giang.

ha-tien.jpg
Du khách xuống bến tàu du lịch tham quan đầm Đông Hồ.

Ấn tượng “Hà Tiên thập cảnh”

Thành phố Hà Tiên nằm cách thành phố Rạch Giá - tỉnh lỵ của Kiên Giang - gần 90km, có đường bờ biển tiếp giáp với vịnh Thái Lan và đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia. Hà Tiên vào thế kỷ XVIII từng là một cảng thị sầm uất quan trọng trên tuyến hàng hải thương mại châu Á qua vịnh Thái Lan.

Từ nhiều thế kỷ trước, vùng đất này đã nổi danh “Hà Tiên thập cảnh” - 10 thắng cảnh đẹp nhất Hà Tiên, gồm: Đầm Đông Hồ, núi Bình San, chùa Sắc Tứ Tam Bảo, sông Giang Thành, núi Đá Dựng, núi Mũi Nai... Trong số các thắng cảnh thu hút khách ở Hà Tiên, tiêu biểu có xã đảo Tiên Hải và đầm Đông Hồ.

Xã đảo Tiên Hải (hay quần đảo Hải Tặc) gồm 16 hòn đảo, nằm cách trung tâm thành phố Hà Tiên khoảng 28km, tổng diện tích tự nhiên 283ha, có 485 hộ dân với 1.944 khẩu. Nơi đây sở hữu tiềm năng lớn về phát triển du lịch, khai thác, nuôi trồng thủy sản với nhiều bãi biển đẹp, nước trong xanh, cát trắng mịn, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành. Dân cư trên đảo có nghề chính là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, một số hộ kinh doanh các dịch vụ du lịch. Vì thế, đây là một trong những địa bàn du lịch cộng đồng giàu tiềm năng, được du khách ưa thích bởi khung cảnh hoang sơ và những trải nghiệm về cuộc sống làng chài, thưởng thức các món đặc sản biển...

Đầm Đông Hồ thuộc địa bàn khu phố V (phường Đông Hồ), nằm tiếp giáp biên giới Việt Nam và Campuchia. Đây là vùng ngập mặn đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích 1.384ha, mang giá trị đặc biệt về môi trường sinh thái, tính đa dạng sinh học cao và là môi trường lý tưởng cho nhiều loài động vật sinh sống cùng 25 loài cây rừng ngập mặn đóng vai trò mở rộng đất liền, nuôi dưỡng các động vật vùng triều và bảo vệ đê biển, môi trường. Vì thế, nơi đây có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng bền vững.

Chung tay phát triển du lịch cộng đồng

Với tiềm năng du lịch đa dạng, đặc sắc, Hà Tiên được xác định là một trong 3 khu vực thuộc “tam giác vàng” phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang (cùng với thành phố Rạch Giá và đảo Phú Quốc). Theo đó, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng xã Tiên Hải giai đoạn 2014 - 2020 và Đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đầm Đông Hồ giai đoạn 2015 - 2020 nhằm khai thác tiềm năng và phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững tại hai địa điểm này.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, ngay từ khi đề án được ban hành, chính quyền xã Tiên Hải và phường Đông Hồ đã thành lập Ban quản lý (BQL), trong đó trưởng ban là lãnh đạo xã, phường cùng thành viên là các cán bộ, công chức thuộc các ban, ngành. Người dân địa phương tham gia với vai trò vừa là người làm du lịch vừa là người quản lý điều hành hoạt động du lịch.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của việc phát triển du lịch, Đề án phát triển du lịch sinh thái đầm Đông Hồ có 30 hộ dân đăng ký tham gia các mô hình nuôi trồng thủy hải sản, hướng dẫn khách du lịch tham gia trải nghiệm, phục vụ đờn ca tài tử, ẩm thực. Tại điểm du lịch cộng đồng Tiên Hải có 17 hộ đăng ký tham gia, trong đó có 11 hộ phục vụ ẩm thực và lưu trú, 6 hộ tham gia hướng dẫn du khách trải nghiệm tham quan các đảo và câu cá giải trí, thăm mô hình nuôi cá lồng bè.

Bên cạnh đó, đề án cũng hỗ trợ các hộ dân vay vốn đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở dịch vụ lưu trú, mỗi hộ 30 triệu đồng; 12 hộ đầu tư ghe tàu để đưa du khách đi tham quan đầm Đông Hồ và vườn cò, khám phá rừng dừa nước và trải nghiệm cách chằm lá của các hộ dân. Xã Tiên Hải có 6 hộ đầu tư ghe tàu đưa khách tham quan trải nghiệm các đảo, thăm mô hình nuôi cá lồng bè và câu cá giải trí. Hệ thống hạ tầng cơ sở, giao thông tại các nơi này cũng được đầu tư, như xây dựng 23,5km2 đường bê tông quanh đảo cùng 2 cầu cảng, mở rộng 2 hồ chứa nước sinh hoạt với dung tích trên 50.000m3, xây dựng Bến tàu du lịch đầm Đông Hồ với tổng kinh phí 1,56 tỷ đồng.

Ngoài việc đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, Sở Du lịch Kiên Giang còn chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tổ chức 9 lớp tập huấn, đào tạo cho người dân và cán bộ quản lý về du lịch cộng đồng. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến trong thời gian triển khai thực hiện 2 đề án là 277.219 lượt khách, từ đó gia tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo ở 2 địa phương đã giảm so với trước khi thực hiện đề án; tại đầm Đông Hồ giảm từ 243 hộ xuống còn 32 hộ, xã Tiên Hải giảm 24 hộ xuống còn 5 hộ. Nhờ hiệu quả của những mô hình này, thời gian tới, Kiên Giang sẽ nhân rộng ra nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Tiên: “Thiên đường bí ẩn” của Kiên Giang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.