Luận đàm thời sự

Hạ thấp ngưỡng tự kiềm chế

Đại sứ Trần Đức Mậu 27/09/2024 07:05

Nga vừa quyết định sửa đổi học thuyết an ninh, tức là sửa đổi hệ thống quan điểm liên quan đến vũ khí hạt nhân, trong đó điều cốt lõi nhất là việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Việc sửa đổi này không chỉ là chuyện chính trị, an ninh, quân sự, quốc phòng và đối ngoại của nước Nga mà còn là của thế giới. Trên thế giới ngày nay chỉ có vài quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, vốn luôn được coi là vũ khí chiến lược có khả năng làm thay đổi cả chính trị, an ninh thế giới và quan hệ quốc tế.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng an ninh Nga vào ngày 25-9 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh 2 nội dung cốt lõi nhất trong những điều chỉnh về học thuyết hạt nhân. Thứ nhất, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định sự sẵn sàng của nước Nga về sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả những cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường "đe dọa nghiêm trọng chủ quyền" của nước Nga. Như thế có nghĩa là nước Nga không những chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả trong trường hợp bị tấn công bởi vũ khí hạt nhân của quốc gia nào đó mà còn cả trong trường hợp bị tấn công bằng vũ khí thông thường. Thứ hai, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố nước Nga sẽ coi cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường của quốc gia nào đó được một quốc gia có vũ khí hạt nhân hậu thuẫn hoặc tham gia là cuộc tấn công chung của cả hai quốc gia ấy chống lại Nga.

Hai điều này được dư luận đặc biệt chú ý vì chứa hàm ý mới trong cách tiếp cận của Nga về ranh giới phân định giữa chừng nào không sử dụng vũ khí hạt nhân và lúc nào sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông Putin đặt những sửa đổi về học thuyết hạt nhân vào môi trường chính trị, an ninh, quân sự, quốc phòng, đối ngoại đặc thù hiện tại của nước Nga là cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine và đối địch với các nước phương Tây. Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn Ukraine về chính trị và tài chính trong cuộc xung đột và đặc biệt cung ứng cho Ukraine những chủng loại vũ khí, khí tài hiện đại. Ukraine sử dụng chúng không chỉ để chiến tranh với Nga mà còn để có thể tiến hành những cuộc không kích vào trong lãnh thổ Nga.

Cho đến nay, ông Putin đã nhiều lần cảnh báo cũng như răn đe rất mạnh mẽ Ukraine và khối các nước phương Tây về khả năng Nga sẽ sử dụng đến cả vũ khí hạt nhân. Ông Putin đã nhiều lần đặt ra những lằn ranh đỏ cho phía bên kia như khi nào sẽ coi NATO tuyên chiến với Nga hay như Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ.

Những điều chỉnh học thuyết hạt nhân vừa được Nga thông qua thực chất là hạ thấp ranh giới giữa không sử dụng và sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm gia tăng mạnh mẽ hiệu ứng cảnh báo và răn đe. Điều này cũng để ngỏ khả năng Nga buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine và tiến hành chiến tranh với những nước có vũ khí hạt nhân trên thế giới hậu thuẫn Ukraine tấn công, đe dọa chủ quyền của Nga, cụ thể là ba cường quốc hạt nhân gồm Mỹ, Anh và Pháp.

Hiệu ứng thực tế của những điều chỉnh học thuyết hạt nhân của Nga nhằm buộc những đồng minh chống lưng cho Ukraine kiên trì chiến tranh với Nga phải cân nhắc kỹ càng, mưu tính thấu đáo về việc hậu thuẫn Ukraine, thận trọng và tự kiềm chế trước những quyết sách mới về hậu thuẫn Ukraine mà Nga coi là đe dọa nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Nga. Ranh giới càng được hạ thấp thì những lằn ranh đỏ mới hình thành từ đấy càng thêm nguy hiểm cho tất cả các bên liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạ thấp ngưỡng tự kiềm chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.