(HNMO) - Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, Hà Nội đang tăng tốc độ tiêm mũi 3, mũi 4. Để người dân biết và đi tiêm chủng kịp thời, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã vận động tiêm vắc xin đến từng địa bàn dân cư; đồng thời công khai các điểm tiêm chủng trên địa bàn (gồm: Địa chỉ, người phụ trách, thông tin liên hệ).
Tiến độ tiêm chủng phụ thuộc vào sự sát sao của địa phương
Tính đến sáng 11-8, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, thành phố đã triển khai tiêm được 4.569.345 mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) (đạt 97,9%) và 979.919 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) (đạt 57,6%) cho người trên 18 tuổi. Ngoài ra, đã tiêm 526.475 mũi 1 (đạt 51,8%) và 213.219 mũi 2 (đạt 21%) cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Còn với nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 và mũi 2 đạt trên 99% nhưng mũi 3 mới chỉ đạt 34,1% (tương đương với 233.955 mũi/685.485 trẻ).
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, từ tháng 7-2022 cho đến nay, Sở Y tế Hà Nội liên tiếp có những văn bản gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã thúc giục việc tăng cường tiêm vắc xin phòng Covid-19; vận động người dân tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ để đạt được hiệu quả tốt nhất.
“Tại Hà Nội, hiện đã ghi nhận sự lưu hành của biến chủng Omicron BA.4 và BA.5. Cùng với nguy cơ làn sóng dịch do biến chủng mới thì làn sóng dịch do biến chủng cũ cũng trỗi dậy do miễn dịch đang giảm dần kéo theo nguy cơ gia tăng các ca tái nhiễm. Do đó, biện pháp phòng dịch quan trọng nhất hiện nay là tiêm vắc xin”, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.
Yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến độ tiêm chủng hiện nay chính là sự sát sao của chính quyền địa phương. Đơn cử như tại quận Hai Bà Trưng, UBND các phường và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận đã tăng cường rà soát, vận động từng đối tượng tiêm chủng nếu chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều theo quy định của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế quận còn phối hợp với phòng văn hóa thông tin quận và hệ thống đài truyền thanh phường, nhà trường tăng cường tuyên truyền về tiêm chủng, thông báo lịch tiêm chủng.
Tại Trạm Y tế phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, trong ngày hôm nay (11-8) triển khai tiêm mũi 3 và mũi 4 đối với người từ 18 tuổi trở lên hiện đang sinh sống và cư trú trên địa bàn.
Để người dân nắm rõ thông tin và đi tiêm đầy đủ, theo Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Lương Lê Thị Phương Thảo, cách đây 2 ngày, UBND phường đã gửi thông báo cụ thể về lịch tiêm đến các tổ dân phố để người dân biết.
Trong thông báo này có ghi rõ: “Tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) đối với người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi vắc xin đủ 3 tháng tính từ ngày tiêm mũi 2 hoặc mũi bổ sung (đã tiêm mũi 2 trước ngày 11-5-2022); tiêm mũi 4 với người đã tiêm đủ 3 mũi, đủ 4 tháng tính từ ngày tiêm mũi 3 (đã tiêm mũi 3 trước ngày 11-4-2022). Với người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3 sẽ hoãn tiêm 3 tháng”.
Nhờ sự vào cuộc sát sao của chính quyền địa phương, tính đến hết ngày 10-8, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã đạt 99,43%; tỷ lệ tiêm mũi 4 đã đạt 52,18%.
Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều người dân cũng phản ánh về tình trạng, họ ra phường đăng ký tiêm mũi nhắc lại nhưng chờ “dài cổ” vẫn chưa đến lượt.
Một người dân ở phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Hiện tôi đã ngoài 50 tuổi, thuộc đối tượng tiêm vắc xin mũi 4 theo quy định của Bộ Y tế. Cách đây nửa tháng, tôi đã đăng ký tiêm mũi 4 ở phường nhưng hiện vẫn chưa được tiêm”.
Theo quy định, khi người dân có nhu cầu tiêm mũi 4 sẽ đăng ký với tổ dân phố. Từ danh sách này, UBND phường sẽ rà soát xem có đúng đối tượng tiêm theo quy định tại Công văn số 3309/BYT-DP của Bộ Y tế về hướng dẫn tiêm vắc xin phòng Covid-19 ban hành ngày 23-6-2022. Sau khi tổng hợp danh sách và bảo đảm số lượng người sẽ bố trí tiêm.
Cần tạo thuận lợi cho người dân
Theo PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), cần phải chấp nhận có tỷ lệ hao phí vắc xin nhất định để tạo thuận lợi cho các đơn vị triển khai.
“Khác với các đợt tiêm chủng theo chiến dịch trong năm 2021, hiện nay, có nhiều người phải trì hoãn tiêm chủng do đã mắc bệnh, đối tượng tiêm cũng thu hẹp hơn nên cách thức tổ chức tiêm giống như lúc tiêm vét. Số lượng người đến các điểm tiêm chủng không phải lúc nào cũng nhiều. Với cách thức đóng nhiều liều trong lọ, một lọ vắc xin có khoảng 10-20 liều nhưng chỉ có 3-4 người tiêm thì chắc chắn có hao phí nếu mở lọ. Nếu không chấp nhận hao phí, phải chờ đủ người mới mở lọ thì người dân phải đợi lâu hoặc quay về, đợi lịch hẹn khác và sẽ rất khó đưa họ quay trở lại”, PGS.TS Phạm Quang Thái nói.
Trước đó, bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Bà Dương Thị Hồng cho rằng, để không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho người dân, phải chấp nhận có tình trạng một lọ vắc xin chứa nhiều liều nhưng chỉ tiêm cho vài người.
Tại Công điện số 03/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 9-8-2022 về tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 cũng nêu rõ, triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng; đảm bảo không bỏ sót đối tượng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để lập danh sách, tuyên truyền, tổ chức tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân. Công khai các điểm tiêm chủng trên địa bàn (địa chỉ, người phụ trách, thông tin liên hệ) và thông tin để người dân biết và đi tiêm chủng kịp thời.
“Thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát và tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn, không để tình trạng vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí. Lãnh đạo cấp ủy, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về kết quả tiêm vắc xin trên địa bàn”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ tại Công điện số 03.
Để tăng cường công tác tiêm chủng trên địa bàn, theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, căn cứ kết quả tiêm, nhu cầu sử dụng vắc xin của các quận, huyện, thị xã, tiến độ phân bổ vắc xin của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, các đơn vị cần tham mưu cho Sở Y tế thành phố xây dựng kế hoạch tiếp nhận, phân bổ, điều chuyển vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo sát thực tiễn, kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, rà soát tiến độ tiêm, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi hoàn thành trong tháng 8-2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là nhóm trẻ có nguy cơ cao, tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và mũi 4 cho các đối tượng có chỉ định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
PGS.TS Phạm Quang Thái nhấn mạnh, thực tế cho thấy, khi dịch xảy ra, người lớn và trẻ em đều nhiễm bệnh, số lượng nhập viện nhiều. Hiệu quả của vắc xin trong phòng, chống dịch như thế nào thì mọi người đều đã thấy. Do đó, cần tăng cường tiêm vắc xin để tránh những hậu quả đáng tiếc như đã từng xảy ra trong năm 2021.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.