(HNMO) - Đó là ý kiến chỉ đạo được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đưa ra tại hội nghị triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Hà Nội năm 2016 diễn ra sáng 12-4.
Đề cập đến kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2016, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, Tháng hành động vì ATTP năm nay diễn ra từ 15/4/2016 đến 15/5/2016 với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Nhiệm vụ trong Tháng hành động nhằm tập trung giải quyết các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) từ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản…
Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, Tháng hành động còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng ATTP và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn. Cùng với đó, Ban chỉ đạo ATVSTP thành phố tổ chức thành lập 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo ATVSTP quận, huyện, thị xã trong việc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về công tác đảm bảo ATTP; việc tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến thực phẩm trên địa bàn; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Hà Nội là địa phương triển khai sớm nhất Tháng hành động vì ATTP. Tuy nhiên, thay vì nói và phổ biến mong rằng thành phố triển khai đúng kế hoạch để khi kết thúc Tháng hành động này, hoạt động thanh kiểm tra phải chỉ ra được bao nhiêu nơi bị xử lý, bao nhiêu đơn vị và bao nhiêu cá nhân bị xử lý. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng mong thành phố tăng cường thanh, kiểm tra chỉ ra bằng được cơ sở thực phẩm bẩn và công khai những nơi nào cung cấp thực phẩm an toàn để người dân được biết.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 58.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Vấn đề ATVSTP, trong đó việc đảm bảo an toàn đối với các mặt hàng như rau, thịt luôn là vấn đề nóng bỏng. Do đó, chủ đề của Tháng hành động vì ATTP năm nay tiếp tục tập trung vào vấn đề sản xuất, kinh doanh rau, thịt an toàn. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu, đầu năm 2016, thành phố đã triển khai thí điểm đồng bộ lực lượng thanh tra ATTP cấp cơ sở theo chỉ đạo của Chính phủ tại 5 quận, huyện; 10 xã, phường với yêu cầu tối thiểu một tuần, lực lượng thanh kiểm tra phải đi kiểm tra 3 lần.
Đối với Chủ tịch UBND 10 xã, phường, thị trấn thí điểm thực hiện, mỗi tuần phải bảo đảm 1 lần đi kiểm tra trực tiếp. Trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, Hà Nội yêu cầu triển khai lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP cấp cơ sở tại đồng bộ 30 quận, huyện, thị xã. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, trong Tháng hành động này, toàn thành phố phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa vấn đề đảm bảo ATVSTP, triển khai đúng chỉ đạo của thành phố, không thể để xảy ra tình trạng “trên bảo, dưới không nghe”. Phó Chủ tịch UBND xã/phường nào triển khai không tốt sẽ bị lãnh đạo thành phố phê bình đích danh. Với những biện pháp trên, Hà Nội quyết tâm hạn chế xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.