Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt chống buôn lậu dịp cuối năm

Phạm Thanh| 28/10/2022 07:18

(HNM) - Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nên nạn buôn lậu nhiều loại hàng hóa ở khu vực phía Nam cũng diễn ra phức tạp. Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán Quý Mão năm 2023, hiện các địa phương, cơ quan chức năng phía Nam đang tích cực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai kiểm tra thuốc lá nhập lậu.

Diễn biến phức tạp

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (BCĐ 389) tỉnh Đồng Nai, trong 10 tháng năm 2022, lực lượng chức năng đã kiểm tra, bắt giữ hơn 2.000 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 100 tỷ đồng; số tiền phạt bổ sung, truy thu thuế hơn 197,6 tỷ đồng. Số vụ chuyển cơ quan điều tra và có quyết định khởi tố hình sự gần 45 vụ. Còn tại tỉnh Tây Ninh, với đặc thù là địa bàn có đường biên giới với Campuchia và có đường giao thông thuận lợi về thành phố Hồ Chí Minh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra phức tạp. Cơ quan chức năng địa phương đã bắt giữ hàng nghìn vụ việc…

Điển hình, ngày 28-9, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an thành phố Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ đường dây buôn lậu vàng quy mô cực lớn. Các đối tượng thu gom ngoại tệ tại Việt Nam, sau đó mang sang Campuchia để mua vàng đưa tiêu thụ trong nước. Cơ quan chức năng xác định đường dây này đã nhập lậu 198kg vàng; hiện đã xác định được đối tượng chủ mưu và đã thu giữ 103kg vàng, hơn 2,8 triệu USD, 26,7 tỷ đồng cùng nhiều vật chứng liên quan.

Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của cả nước. Từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 7.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại. Riêng ngành Hải quan đã xử lý 2.181 vụ vi phạm, với tổng trị giá hàng hóa ước tính trên 2.527 tỷ đồng, số tiền phạt thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 25,37 tỷ đồng. Một trong những vụ nổi bật là đầu tháng 10-2022, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ trên 700 chiếc điện thoại di động iPhone đã qua sử dụng do một người đàn ông vận chuyển trái phép từ Singapore qua đường hàng không về Việt Nam tiêu thụ.

Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh Đinh Ngọc Thắng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động xuất, nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu của thành phố cơ bản đã hồi phục trở lại, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp pháp luật hải quan cũng gia tăng. Ngoài việc lén lút nhập hàng lậu, phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng vi phạm là khai sai so với hàng hóa nhập khẩu thực tế; lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa, đối tượng vi phạm thực hiện chọn luồng (cùng 1 lô hàng khai báo nhiều tờ khai ở cùng một chi cục hoặc khác chi cục, nếu luồng Đỏ thì hủy tờ khai, chọn tờ khai luồng Vàng, Xanh để thông quan hàng hóa)…

Triển khai nhiều giải pháp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng thông tin, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng của BCĐ 389 tỉnh (02518.87.87.87) và địa phương; tăng cường thông tin, tuyên truyền các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn…

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, lực lượng nòng cốt phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại là các đơn vị chức năng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường và BCĐ 389 các huyện, thị xã, thành phố. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…; xử lý công khai, nghiêm minh những tập thể, cá nhân tiếp tay, bao che, bảo kê hoặc tham gia hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, Trưởng BCĐ 389 thành phố, Ban chỉ đạo đã yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường nắm bắt tình hình địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm… Cùng với đó, các lực lượng chức năng tập trung tổ chức đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm theo nhiệm vụ được giao.

"UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo lực lượng hải quan, Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn tại cửa khẩu; lực lượng công an tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu từ biên giới Tây Nam về thành phố; phối hợp với lực lượng chức năng các tỉnh giáp thành phố Hồ Chí Minh để ngăn chặn hàng lậu tập kết, chờ đưa về thành phố tiêu thụ", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt chống buôn lậu dịp cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.