Giao thông

Giải pháp căn cơ hóa giải ùn tắc giao thông

Hà Phong 18/02/2025 - 07:13

Một trong những vấn đề cần giải quyết trong quá trình phát triển đô thị bền vững của Thủ đô Hà Nội là tình trạng ùn tắc giao thông. Các chuyên gia kỳ vọng Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các giải pháp căn cơ hóa giải tình trạng này.

duong-sat.jpg
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Đỗ Tâm

Mở cánh cửa quy hoạch, phát triển bền vững

Nhìn nhận những đột phá về căn cứ pháp lý giúp Hà Nội từng bước giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Phan Trường Thành chia sẻ, với việc thông qua Luật Thủ đô năm 2024, Quốc hội, Chính phủ đã trao cho Hà Nội một chiếc "chìa khóa vàng", mở cánh cửa phát triển đường sắt đô thị.

Luật đã cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững. Đây là mô hình đang được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, áp dụng. Điển hình, Singapore, Trung Quốc đã coi đây là một giải pháp căn cơ và dài hạn để giải quyết những vấn đề lớn liên quan đến phát triển đô thị như quá tải về hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nhà ở xã hội, thiếu hụt nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng…

Không dừng lại ở đó, Luật Thủ đô năm 2024 có một số đột phá lớn như, cho phép Hà Nội được thu một số khoản thu từ diện tích sàn xây dựng tăng thêm; từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD, phí cải thiện hạ tầng và được sử dụng 100% khoản thu đó để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Điều 30 Luật Thủ đô năm 2024 quy định phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông trên cơ sở kế thừa cơ bản nội dung Điều 18 Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời bổ sung quy định phân quyền mạnh hơn cho HĐND thành phố Hà Nội trong việc ban hành chính sách đầu tư và huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển, bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông...

Ngoài ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của thành phố được phép nghiên cứu phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào khu vực trung tâm để giảm ùn tắc giao thông, giảm phát thải; áp dụng phí giảm ùn tắc giao thông. Phát triển đường vành đai, trung tâm logistics, hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn và kết nối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hoạt động liên kết vùng với Thủ đô.

Cơ sở pháp lý vững chắc cho các dự án đường sắt đô thị

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) Đặng Huy Đông đánh giá, Luật Thủ đô năm 2024 mở ra tín hiệu tích cực cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội, bao gồm từ quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và khu vực TOD, đầu tư phát triển đường sắt đô thị đến các cơ chế thu phí giá trị thặng dư từ đất trong khu vực TOD. Điều này giúp tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho các dự án đường sắt đô thị. Đây chính là điểm nhấn quan trọng làm thay đổi cả về chất và lượng trong phát triển đô thị Hà Nội thời gian tới.

Theo ông Đặng Huy Đông, chỉ những nơi có giao thông công cộng đi qua mới có thể phát triển khu đô thị nén. Bất động sản từ các khu đô thị nén này sẽ được tăng giá trị, tạo nguồn vốn để phát triển giao thông công cộng. Nếu đô thị từ 3 triệu dân trở lên mà phát triển giao thông hỗn hợp sẽ dẫn đến ùn tắc giao thông. Do vậy, cần hạn chế phương tiện cá nhân.

“Tôi đi đường sắt đô thị, từ Ga Cát Linh đến Ga Hà Đông chỉ mất hơn 10 phút, điều này chứng minh đường sắt đô thị trên cao rất tiện lợi. Tuy nhiên, cần có hệ thống giao thông công cộng đồng bộ. Các tầng giao thông công cộng là đường sắt đô thị, xe buýt, xe taxi và xe điện nhỏ sẽ bảo đảm phủ kín nhu cầu đi lại của người dân. Có như vậy, người dân mới ủng hộ, hiện tượng ùn tắc mới được cải thiện”, ông Đặng Huy Đông nói.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục cụ thể hóa những vấn đề trong chính sách đặc thù đã được xác định trong Luật Thủ đô năm 2024 để giảm ùn tắc giao thông, tạo ra những đột phá, phát triển mạnh mẽ cho Thủ đô trong kỷ nguyên mới. Trong đó, cần làm rõ về mô hình TOD.

“Chúng ta cần tìm hiểu để thống nhất. Bởi Việt Nam khác với các nước, và Hà Nội lại càng đặc biệt, bởi Hà Nội có quỹ di sản phong phú. Luật Thủ đô năm 2024 giao cho UBND thành phố chọn vị trí TOD, đây là trách nhiệm lớn vì Hà Nội có nhiều di tích lịch sử. Chúng ta chọn vị trí ở đâu, làm thế nào để người dân đến, dân hưởng thụ là thách thức và trọng trách rất lớn”, ông Đào Ngọc Nghiêm nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp căn cơ hóa giải ùn tắc giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.