(HNMO) - Đó là một trong những kết quả nổi bật được nêu ra tại hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Nghị Quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31-7-2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố do UBND TP Hà Nội tổ chức sáng nay (26-12).
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, những năm qua, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước kiềm chế ùn tắc và tai nạn giao thông. Riêng công tác đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong giai đoạn 2008-2016, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 10 cầu vượt kết cấu thép lắp ghép tại các nút giao, đồng thời tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cầu vượt nút giao Cổ Linh - Vĩnh Tuy để hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2016. Hoàn thành dứt điểm và đưa vào khai thác hơn 80 công trình giao thông quan trọng, với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm bức xúc dân sinh; hoàn thành một số cầu cho người đi bộ cắt ngang qua đường tại các vị trí trường học, bệnh viện... Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ GT-VT trong công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành các dự án giao thông quan trọng do Bộ GT-VT làm chủ đầu tư trên địa bàn như: cầu Nhật Tân, đường Nhật Tân-Nội Bài, đường vành đai 3 trên cao, nhà ga hành khách T2-Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Nội Bài-Lào Cai...
Nhờ đó, tình hình UTGT đã được cải thiện đáng kể. Nếu như vào năm 2010, toàn thành phố có 124 điểm ùn tắc thì đến nay đã giảm xuống còn 41 điểm, giảm được 83 "điểm đen" UTGT. Tuy nhiên, tình hình UTGT vẫn đang diễn biến phức tạp, riêng trong năm 2016 xử lý được 20 điểm ùn tắc thì lại phát sinh thêm 17 điểm khác, nguyên nhân là do lưu lượng phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng, một số công trình trọng điểm đang thi công gây cản trở giao thông...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và ghi nhận những nỗ lực của Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội trong việc thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng UTGT theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, công tác giảm UTGT và tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn còn diễn biến phức tạp.
Chính phủ yêu cầu Hà Nội tập trung, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 16/NQ-CP; quan tâm quy hoạch hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành giao thông, phát triển giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố phía Bắc tạo hành lang ATGT thông suốt theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp, các Sở, ban ngành địa phương nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bảo đảm ATGT.
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, những năm gầy đây, Hà Nội phát triển kinh tế ở mức cao, cùng với đó việc phát triển đô thị, phương tiện giao thông lớn, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị. Trong khi đó, hạ tầng giao thông hoàn thành nhưng chưa được khép kín, các nút giao thông lớn chưa hoàn thiện, phương tiện cá nhân tăng cao khi một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông ý thức chưa cao… Trong bối cảnh khó khăn ấy, thành phố đã từng bước vượt qua khó khăn thách thức, bảo đảm trật tự ATGT, số vụ ùn tắc giảm dần cả về số vụ và thời gian ùn tắc. Tai nạn giao thông luôn giảm trên 3 tiêu chí.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả của Nghị quyết 16 của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu các Sở, ngành và UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm các giải pháp trong Nghị quyết 16/NQ-CP đã nêu. Ngoài ra, Sở GT-VT thực hiện phân luồng bến bãi xe khách liên tỉnh và phối hợp với Công an TP theo dõi, đánh giá lại tình hình UTGT để tìm ra căn nguyên và có giải pháp hữu hiệu.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng kiến nghị Bộ GT-VT, Bộ Công an phối hợp với Hà Nội trong việc bảo đảm ATGT; Bộ GT-VT ưu tiên bố trí vốn thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội; các bộ, ngành sớm thực hiện việc di dời trụ sở ra khỏi nội đô theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.