(HNMO)- Ngày 31/12, UBND TP Hà Nội tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Đề án
Bà Phạm Thị Hồng Nga, PGĐ Sở GD-ĐT cho biết, ngay sau khi HĐND TP ban hành Nghị quyết số 04 thông qua Đề án 106 ngày 30/7/2009 của UBND TP Hà Nội về nâng cao chất lượng giáo dục mầm non TP Hà Nội đến năm 2015, UBND TP đã tập trung triển khai và tổ chức thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp của Đề án.
Kết quả thực hiện, toàn TP đã xây mới 104 trường mầm non, cải tạo sửa chữa 145 trường với hơn 4000 phòng học xây mới để gom điểm lẻ; xoá gần 1.500 phòng học nhờ, học tạm, xoá 1.133 phòng học cấp 4; cải tạo 383 công trình nước sạch, 3.097 công trình vệ sinh, 1860 bếp ăn; cải tạo chiếu sáng học đường cho 8.661 lớp học; xây dựng 1.338 khu trung tâm đủ điều kiện với tổng kinh phí 8.630 tỷ đồng. Kinh phí mua sắm trang, thiết bị dạy học, đò chơi ngoài trời là 1.265 tỷ đồng.
Đến nay có 98,7% trường có nguồn nước sạch, 83,2% nhà vệ sinh đạt yêu cầu, 845 sân chơi được trang bị đồ chơi phù hợp.
Cũng trong 5 năm, đã thực hiện miễn giảm học phí, hỗ trợ ăn trưa cho 29..042 trẻ với tổng kinh phí 31,36 tỷ đồng.
Về chất lượng giáo dục, năm 2009 chỉ có 30,8% số trường thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, đến nay đã có 100% trường và 100% nhóm, lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới và chương trình quốc tế đối với các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài
Hà Nội đã triển khai thực hiện đại trà Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, được Bộ GD-ĐT chọn làm điểm triển khai chuyên đề "Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non giai đoạn 2013-2016".
Tỷ lệ trẻ ăn bán trú đặc biệt tăng nhanh ở khu vực ngoại thành. Hiện trẻ nhà trẻ ăn bán trú đạt 94%, trẻ mẫu giáo ăn bán trú đạt 97%. Các trường mầm non đã ký hợp đồng sử dụng thưc phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều huyện 100% trường mầm non có vườn rau sạch tại chỗ phục vụ cho bữa ăn của trẻ, tiêu biểu như Sóc Sơn, Gia Lâm, Đan Phượng... Toàn TP trong 5 năm qua đã không xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm.
"Thực hiện có chất lượng chương trình giáo dục mầm non là điều kiện quan trọng giúp cho trẻ phát triển toàn diện. Trong 5 năm, giáo dục mầm non Hà Nội liên tục đạt chỉ tiêu dẫn đầu toàn quốc; nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các trường mầm non. Đó chính là kết quả, là mục tiêu cốt lõi của đề án" - bà Nga nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.