(HNMO) - Chiều 14-10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ tổ chức hội nghị đánh giá kết quả phát triển chăn nuôi bò thịt giai đoạn 2018-2022; kế hoạch, giải pháp phát triển chăn nuôi bò thịt giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tính đến tháng 9-2022, toàn thành phố có tổng đàn bò 130.300 con, trong đó, bò sinh sản gần 90.000 con, bò thịt, bê các loại trên 40.000 con. Trên địa bàn đã hình thành các vùng chuyên canh, tập trung và trang trại quy mô lớn với đàn bò thịt, sinh sản tại 39 xã, vùng chăn nuôi bò thịt trọng điểm trên 50.000 con; hơn 100 trại chăn nuôi bò thịt quy mô lớn ngoài khu dân cư (quy mô từ 20 con trở lên).
Về cơ cấu giống đa dạng với các giống bò thịt chất lượng cao: 65% bò lai Zebu, trên 30% bò lai hướng thịt (Angus, Wayu, BBB, Droughmaster...); tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò sinh sản đạt trên 90%, số bê sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo đạt khoảng 60.000 con/năm, cung cấp cho thị trường hơn 50.000 con bò giống, bê giống các loại, gồm: BBB, Angus, Wayu, Charolais, Brahman... Bò lai xuất chuồng 18-24 tháng đạt 550-600kg.
Từ năm 2018 đến nay, thành phố đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý theo dõi bò sinh sản. Cụ thể là: Tổ chức giám định, bình tuyển, gắn chip điện tử cho 5.000 con bò cái lai Zebu và 3.000 bê lai chất lượng cao để đưa vào quản lý giống tại các xã: Minh Châu, Tòng Bạt, Thụy An, Minh Quang (Ba Vì); Tự Lập (Mê Linh); Lệ Chi (Gia Lâm); Thanh Mỹ (Sơn Tây); Nam Sơn, Bắc Sơn (Sóc Sơn); Vân Hà (Phúc Thọ). Về lai tạo, sản xuất giống bò thịt, Hà Nội tập trung phát triển các giống thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ đạt trên 90% đàn bò sinh sản.
Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần T&T 159 tổ chức kết nối thu mua 5 đợt bê lai Wagyu cho các hộ chăn nuôi các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh với giá bình quân 17 triệu đồng/con. Đây là phương thức thu mua mới, minh bạch, không qua trung gian và mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi thêm từ 3-5 triệu đồng/con.
Hà Nội cũng đã phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Thái để xây dựng dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, chuỗi khép kín tiêu thụ sản phẩm thịt bò Waygu tại xã Minh Châu (huyện Ba Vì). Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì đã xây dựng thành công chuỗi sản xuất, cung cấp thịt bò lai Wagyu mang nhãn hiệu "F1Wagyu Ba Vì" cho thị trường Hà Nội và các tỉnh với giá bán bình quân gần 1 triệu đồng/kg.
Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ, Đan Phượng, Sóc Sơn, Mê Linh, Mỹ Đức... Phấn đấu đến năm 2025, đàn bò thịt, bò sinh sản có quy mô 150.000 - 155.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 13.000 - 15.000 tấn/năm, tăng số lượng đàn bò sinh sản khoảng 3%/năm ở vùng trọng điểm, giảm quy mô chăn nuôi thương phẩm.
Đến năm 2030, đàn bò cái sinh sản được thụ tinh nhân tạo đạt trên 90% tổng đàn, trong đó lai tạo giống bò cao sản 50%. Theo đó, Hà Nội tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu trên địa bàn chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực di truyền; cải tạo, nâng cao năng suất chất lượng giống bò; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý giống, thực hiện bình tuyển đánh số, gắn chip theo dõi và đánh giá chất lượng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.