Chính trị

Hà Nội: Vượt khó, khẳng định hiệu quả sau 15 ngày vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp

Hà Vũ 15/07/2025 14:40

Sau hai tuần vận hành, mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại Hà Nội đã cho thấy những kết quả tích cực, đặc biệt trong giải quyết thủ tục hành chính. Mặc dù vậy, không ít khó khăn đang được đặt ra, đòi hỏi nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị.

Nhanh chóng, thông suốt

Ngày 1-7-2025, cùng với cả nước, thành phố Hà Nội chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, kết thúc hoạt động cấp huyện, và giảm từ 526 xuống còn 126 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 51 phường và 75 xã).

Ghi nhận trong hai tuần qua, bộ máy 126 phường, xã mới đã cơ bản vận hành thông suốt. Một trong những điểm sáng nổi bật của mô hình chính quyền địa phương hai cấp là cải cách thủ tục hành chính, đặt người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Hà Nội đã công bố danh sách 126 điểm phục vụ hành chính công mới tại các xã, phường, kèm theo các đường dây nóng hỗ trợ. Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội còn hỗ trợ chung trên địa bàn thành phố qua số điện thoại 024.1022 - nhánh 7, 8 và tổng đài thông minh 1900.1009. Các phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức còn có thể gửi qua nền tảng công dân thủ đô số - iHanoi hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0768.221.221 (trưởng đoàn kiểm tra - giám sát) để được tiếp nhận, xử lý.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kiểm tra công tác vận hành chính quyền tại phường Dương Nội. Ảnh: Quang Thái
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kiểm tra công tác vận hành chính quyền tại phường Dương Nội. Ảnh: Quang Thái

Thành phố tiếp tục duy trì hệ thống tiếp nhận thủ tục hành chính ở các đơn vị hành chính cũ, kết hợp với các điểm phục vụ hành chính công 126 xã, phường mới. Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội đã phát huy vai trò chủ động, góp phần hạn chế tối đa “khoảng trống” trong nhiệm vụ quan trọng này.

Ghi nhận tại các phường nội đô như Đống Đa, Ô Chợ Dừa, Hoàn Kiếm, Cửa Nam, Cầu Giấy, Tây Hồ, Long Biên, Phúc Lợi hay các xã như Nam Phù, Ô Diên, Minh Châu, bộ máy mới đã hoạt động khá nhịp nhàng, thông suốt. Các phòng, ban chuyên môn được kiện toàn, trụ sở làm việc cơ bản được bố trí đầy đủ.

Các địa phương cũng chủ động bố trí các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác. Có mặt phục vụ tại các điểm phục vụ hành chính công không chỉ là đội ngũ cán bộ, công chức được tuyển chọn ưu tiên những người có kinh nghiệm và thái độ phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện; mà còn có sự tham gia hỗ trợ của đoàn viên, thanh niên, nhân viên bảo hiểm xã hội, nhân viên Bưu điện Hà Nội, các luật sư... để hướng dẫn trực tiếp cho người dân về cơ sở pháp lý, kê khai thủ tục điện tử, hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ...

Tại phường Phúc Lợi, quy trình giải quyết thủ tục hành chính được thiết kế mở, công khai và minh bạch. Là một trong những người đầu tiên đến làm thủ tục hành chính khi mô hình mới chính thức đi vào hoạt động, bà Nguyễn Thị Mỳ, Tổ dân phố 24 cho biết, thủ tục ủy quyền cho con trai nhận lương hưu của bà được giải quyết chỉ trong khoảng 10 phút là xong; cán bộ phường hồ hởi, nhiệt tình hướng dẫn.

Tại xã Nam Phù, ghi nhận trong tuần đầu vận hành (từ ngày 1-7 đến 7-7-2025), Điểm Phục vụ hành chính công xã đã tiếp nhận 248 lượt người dân đến giải quyết thủ tục hành chính các lĩnh vực. Kết quả giải quyết cơ bản suôn sẻ, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Theo ông Phan Hắc Hồ, thôn Đại Lan, xã Nam Phù, thay vì phải đi lại nhiều lần khi nộp hồ sơ thủ công dễ xảy ra sai sót như trước đây, bây giờ có thể nộp trực tuyến tại nhà; khi đến nhận kết quả thì được cán bộ đón tiếp chu đáo, giải quyết nhanh gọn.

Còn ở xã đảo Minh Châu, mặc dù địa điểm làm việc chật chội, nhưng Điểm tiếp nhận và phục vụ hành chính công vẫn được ưu tiên bố trí thuận tiện nhất cho người dân.

Thay đổi quan trọng về công nghệ

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của mô hình chính quyền địa phương hai cấp là việc ứng dụng công nghệ số. Hà Nội đã ra mắt bản đồ số của 126 xã, phường mới trên nền tảng "Công dân Thủ đô số" (iHanoi). Dịch vụ này cung cấp thông tin chi tiết về vị trí, địa chỉ, dân số, lãnh đạo và số điện thoại liên hệ của từng đơn vị hành chính, giúp người dân tra cứu dễ dàng và nhanh chóng.

Từ trước khi đi vào vận hành, các xã, phường đã tận dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội để kết nối với người dân, từ việc công bố mã QR dẫn đường đến địa điểm trụ sở mới, đến tuyên truyền các hoạt động đầu tiên của chính quyền mới.

Các điểm phục vụ hành chính công cấp xã đều được thiết kế hiện đại, với khu vực tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả, số hóa tài liệu và các thiết bị hỗ trợ như máy lấy số thứ tự, màn hình tra cứu thông tin.

Bên cạnh đó là yếu tố con người, tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, công chức, ý thức nêu gương của người đầu. Lãnh đạo các địa phương đều xác định rõ phục vụ người dân là ưu tiên số một; phòng làm việc của lãnh đạo phường, xã có thể chưa sắp xếp xong, nhưng nơi tiếp đón công dân phải sẵn sàng, bảo đảm rộng rãi, thoáng mát.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Thanh Xuân. Ảnh: Quang Thái
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Thanh Xuân. Ảnh: Quang Thái

Theo Chủ tịch UBND phường Sơn Tây Nguyễn Thị Thu Hương, lãnh đạo phường đã yêu cầu mỗi cán bộ, công chức của Trung tâm Phục vụ hành chính công phường phải nâng cao chất lượng phục vụ người dân bảo đảm thuận tiện trong mọi giao dịch, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo công việc.

Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết, trên cơ sở phân công nhiệm vụ, lãnh đạo phường đã tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá chất lượng làm việc của đội ngũ công chức gắn với kỷ cương, kỷ luật. Đây là cơ sở để phường tiếp tục bố trí đội ngũ gắn với đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hóa theo vị trí việc làm, bảo đảm tối ưu chất lượng công việc.

Đặc biệt, trong 2 tuần qua, cấp ủy Đảng các xã, phường mới đã nhanh chóng ổn định tổ chức, con người, hoàn thành khối lượng công việc to lớn, triển khai đại hội đảng bộ các tổ chức cơ sở Đảng còn lại, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ phường lần thứ I; đồng thời, phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong lãnh đạo huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị địa phương mình.

Những khó khăn không nhỏ cần quan tâm

Dù mới qua nửa tháng vận hành, mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã bước đầu khẳng định tính ưu việt, hiệu quả, tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền các phường, xã mới đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức cần được quan tâm giải quyết sớm.

Khó khăn lớn nhất vẫn là vận hành nhuần nhuyễn, thông suốt toàn bộ hệ thống bộ máy mới, tiếp nhận và triển khai thực hiện tất cả nhiệm vụ đã được phân cấp, phân quyền; cân đối được giữa nhiệm vụ với đội ngũ cán bộ, công chức, với nguồn lực tài chính, phương tiện kỹ thuật, ứng dụng chuyển đổi số…

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thông tin, bao gồm cả thiết bị đầu cuối chưa đồng đều và đồng bộ. một số địa phương không chỉ gặp khó khăn trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến, mà ngay cả họp trực tuyến vẫn chưa đảm bảo chất lượng về hình ảnh và âm thanh. Đội ngũ cán bộ, công chức ở các địa phương cũng chưa đồng đều về trình độ, đòi hỏi có thêm thời gian để chuẩn hóa. Ngoài ra, cơ chế phối hợp, liên thông, liên ngành để giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng từ khâu tiếp nhận đến khi trả kết quả cần được tối ưu hơn nữa.

Mặc dù có khó khăn, song, với sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương và thành phố, cùng tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân, Hà Nội đang từng bước xây dựng một bộ máy hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ. Những kết quả tích cực bước đầu không chỉ khẳng định sự đúng đắn của mô hình chính quyền địa phương hai cấp, mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Hà Nội: Vượt khó, khẳng định hiệu quả sau 15 ngày vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.