(HNM) - Sáng qua 8-4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Hội Nông dân TP Hà Nội đã tổ chức vinh danh 252 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2009-2011 đại diện cho gần 600.000 hội viên nông dân toàn TP.
Ứng dụng tiến bộ KHKT tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng và thu nhập cao đang là hướng phát triển cho nông nghiệp Thủ đô.Ảnh: Bá Hoạt
Vượt khó, năng động làm giàu
Sự thiết thực của phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo" những năm qua đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ ở mọi vùng quê và trực tiếp tác động đến nhận thức, hành động của từng hộ hội viên nông dân (ND). 252 ND điển hình tiên tiến được vinh danh đợt này, mỗi người đều có thuận lợi, khó khăn riêng, song điểm chung của họ là sự quyết tâm vượt khó để làm giàu. Trong 3 năm (2009-2011), đã có 579.081 lượt hộ ND đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp (tăng 9% so với giai đoạn 2007-2009). Riêng năm 2011, có 208.580 hộ đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi 4 cấp (đạt 69% so với số hộ đăng ký), trong đó cấp trung ương 398 hộ; cấp TP 1.779 hộ… Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương năng động làm giàu. Điển hình như hộ anh Nguyễn Quang Thu, ở thôn Đông Hạ, xã Đắc Sở (Hoài Đức) với mô hình trồng cây ăn quả, kinh doanh hoa quả cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập thực tế mỗi năm đạt từ 400 đến 600 triệu đồng. Bà Đào Thị Thiện, thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến (Sóc Sơn) chồng bị nhiễm chất độc da cam, ốm đau thường xuyên, nhưng với nghị lực, ý chí làm giàu, năm 2003, bà đã lựa chọn mô hình trồng nấm. Từ vốn vay 8 triệu đồng để đầu tư xây dựng 200m2 lán trại, đến nay mở rộng thành 650m2 trồng nấm. Gia đình bà đã có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang. Hộ ông Tạ Văn Thắng, xã Hòa Lâm (Ứng Hòa), với 4 mẫu chuyển đổi từ ruộng trũng sang xây dựng trang trại sản xuất đa canh (nuôi trồng thủy sản, lợn, vịt đẻ, ấp trứng) doanh thu mỗi năm đạt hàng tỷ đồng, riêng năm 2011, gia đình ông thu lãi gần 1,6 tỷ đồng. Hộ ông Triệu Khắc Thủy, xã Triều Khúc (Thanh Trì) với mô hình sản xuất chỉ, dây giày, nhãn mác truyền thống. Từ nghề này, năm 2011 gia đình ông thu lãi 540 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 83 lao động thường xuyên, giúp 5 hộ thoát nghèo…
Một số chỉ tiêu Hội Nông dân Hà Nội đề ra trong giai đoạn 2011-2016 Hằng năm 100% cơ sở hội phát động đến 100% hội viên phong trào thi đua; vận động trên 80-85% số hộ ND đăng ký, trong đó có ít nhất 60-65% số hộ đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi. Hội Nông dân Hà Nội chỉ đạo các cấp hội tập trung hướng dẫn vận động ND SXKD giỏi đẩy mạnh xây dựng các loại hình kinh tế, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến tại cơ sở trên địa bàn TP; chủ động phối hợp các ban, ngành thực hiện liên kết "4 nhà", để những hộ ND thực sự giàu có trên đồng đất quê hương. |
Những "nút thắt" cần nhanh chóng tháo gỡ
Tại hội nghị, những ND SXKD giỏi tiêu biểu đã gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm hay, chia sẻ những bí quyết thành công trong quá trình triển khai các mô hình kinh tế. Đồng thời, các đại biểu đã nêu lên những tồn tại trong quá trình triển khai phong trào như một số cơ sở hội chưa phát động sâu rộng phong trào, việc triển khai mang tính hình thức; nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao ở một số địa phương nhưng chưa được quan tâm nhân rộng; mối liên kết "4 nhà" ở một số cơ sở chưa được quan tâm thường xuyên nên hầu hết ND phải "tự bơi" từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, việc hỗ trợ các nguồn lực như vốn, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, mặt bằng sản xuất… chưa được quan tâm nên hầu hết ND hiện nay thiếu vốn sản xuất, phải đi vay ngoài với lãi suất cao để đầu tư sản xuất.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đã biểu dương những đóng góp của hộ ND SXKD giỏi trong 3 năm qua. Để nhân rộng phong trào, các cấp hội cần tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ND tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, cho thu nhập cao. Có giải pháp đồng bộ, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái bền vững. Đặc biệt, cải tiến hình thức tập huấn kỹ thuật cho ND, thực hiện tốt chính sách xã hội, tạo điều kiện giúp ND được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, phải gắn phong trào với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương để xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện.
Nông dân cần hỗ trợ nhiều hơn Bên lề hội nghị các đại biểu đã trao đổi nhiều vấn đề hiện đang được các hội viên ND quan tâm. Đó cũng chính là những khó khăn, vướng mắc, trực tiếp tác động tới việc phát triển kinh tế nông thôn hiện nay. Bà Phan Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì:Tăng cường liên kết "4 nhà" Huyện Ba Vì, hằng năm có trên 80% số hộ hội viên ND đăng ký đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi. Từ phong trào thi đua, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung như vùng sản xuất chè, chăn nuôi bò sữa, bò thịt, gia cầm, trồng rau an toàn, cây ăn quả... Lượng nông sản do ND sản xuất ra ngày càng lớn. Tuy nhiên, đến nay do mối liên kết "4 nhà" trên địa bàn còn lỏng lẻo nên việc tiêu thụ nông sản cho nông dân gặp nhiều khó khăn, ND liên tiếp bị tư thương ép giá khi được mùa. Để giúp ND yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, đề nghị chính quyền các cấp, Hội Nông dân Hà Nội tăng cường hơn nữa mối liên kết "4 nhà", trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tiêu thụ nông sản ổn định cho ND. Ông Nguyễn Đức Nguyện, hội viên Hội Nông dân xã Vạn Phúc (Thanh Trì):Nông dân tiếp cận vốn vay quá khó Thực tế tại nhiều địa phương thời gian qua cho thấy, ND tiếp cận với các nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng quy mô SXKD quá khó. Hiện nay, nguồn vốn vay mà ND trông chờ nhiều nhất là vốn vay Ngân hàng NN&PTNT, tuy nhiên do thủ tục vay rườm rà, món vay nhỏ, thời gian ngắn… nên số ND có nhu cầu vốn được tiếp cận với vốn vay ngân hàng rất ít, còn lại phải đi vay ngoài với lãi suất cao để đầu tư sản xuất. Thiếu vốn, nhiều hộ không dám mở rộng quy mô SXKD. Để đạt được mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, tập trung, ngoài sự quan tâm trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi cho ND, đề nghị Nhà nước, TP Hà Nội có chính sách tạo điều kiện cho ND được tiếp cận với các nguồn vốn vay để đầu tư SXKD giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ông Trần Văn Ngư, hội viên ND xã Đa Tốn (Gia Lâm):Đầu tư nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất Những năm gần đây phong trào "ND thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo" trên địa bàn huyện Gia Lâm nói chung và xã Đa Tốn nói riêng được phát động sâu rộng. Nhiều vùng đất trước đây chỉ cấy lúa, cho hiệu quả kinh tế thấp đã được bà con chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như cam Canh, bưởi Diễn, ổi… Tuy nhiên, do chưa được quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nội đồng, kênh mương tưới tiêu… chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất của ND. Nhằm hạn chế những thiệt hại do úng ngập gây ra đối với diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn, các cấp chính quyền cần quan tâm cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho ND sản xuất, đi lại, vận chuyển nông sản. Đỗ Hà ghi |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.