Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội về đích 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Thanh Hiền| 16/12/2022 19:28

(HNMO) - Chiều 16-12, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2022; công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã về đích 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó, có 5 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, cũng là năm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng bộ, chính quyền đặt ra.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ, cụ thể, GRDP quý IV tăng 6,76% và ước cả năm tăng 8,89%. Cùng với đó, xuất khẩu đạt ở mức cao, ước tính cả năm 2022 đạt 17,34 tỷ USD, tăng 11,9%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 40,26 tỷ USD, tăng 15%.

Báo cáo thêm, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho hay, cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 332.961 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021. Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến 100.567,7 tỷ đồng, đạt 94,1% dự toán giao đầu năm, trong đó, chi đầu tư phát triển là 46.022,7 tỷ đồng, đạt 90,1% dự toán; chi thường xuyên 50.883,9 tỷ đồng, đạt 95,5% dự toán giao.

Thu hút đầu tư được đẩy mạnh, ước cả năm 2022, vốn đầu tư phát triển đạt 468.000 tỷ đồng, tăng 13,8% và bằng khoảng 39% GRDP. Lũy kế 11 tháng năm 2022, thành phố Hà Nội thu hút khoảng 1.540 triệu USD vốn FDI (tăng 11,6%).

Cũng trong 11 tháng, Hà Nội có 27.601 doanh nghiệp thành lập mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 312.377 tỷ đồng (tăng 26% về số lượng doanh nghiệp và tăng 4% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).

Thành phố cũng đang tập trung triển khai dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đẩy mạnh phát triển, tổ chức lại mạng lưới giao thông, góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng. Các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ được tập trung rà soát, xử lý dứt điểm.

Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ năm 2021, nhưng vẫn thấp so với mục tiêu đề ra, do công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư chưa tốt; vướng mắc liên quan đến phê duyệt chỉ giới đường đỏ, việc bán nhà, quỹ nhà tái định cư, thẩm định phê duyệt dự án; sự thiếu quyết liệt cố gắng của một số cơ quan, đơn vị trong công tác giải ngân vốn đầu tư; giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ dự án đầu tư công bị ảnh hưởng...

Để đạt được các chỉ tiêu cao trong năm 2023, ông Vũ Duy Tuấn cho biết, Hà Nội phấn đấu thu hút sự tham gia của 25-30 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp nông thôn theo hướng bền vững. Đồng thời, củng cố, nâng cao năng lực, năng suất nội tại của các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng và giải phóng mặt bằng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội về đích 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.