(HNMO) – Hà Nội dự kiến thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại, hấp dẫn ở khu vực ngoại thành để thu hút người dân khu vực nội thành đến ở...
Theo đó, TP sẽ khuyến khích DN trong và ngoài nước tham gia nhà đầu tư xây dựng khu đô thị ngoại thành. Những dự án này được TP coi là dự án quan trọng và được hưởng những chính sách ưu đãi tương ứng kèm theo.
TP hoan nghênh các DN “xung phong” đầu tư vào các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và sẽ được ghi nhận, vinh danh. Bên cạnh đó, TP cũng khuyến khích người dân cùng tham gia để tạo nên những khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại, hấp dẫn người dân đến ở khu vực ngoại thành.
Trên đây là những thông tin tại phiên họp tập thể UBND TP Hà Nội diễn ra chiều 3-5-2013 do Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh chủ trì nhằm góp ý vào Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về ban hành chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành TP Hà Nội (nhằm thể chế hóa việc thực hiện khoản 2, Điều 19 Luật Thủ đô).
Theo dự thảo, nhà đầu tư khi đầu tư vào khu vực ngoại thành sẽ được ưu đãi, quy hoạch, sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; ưu đãi tiền sử dụng đất, thuế thu nhập DN…
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng, hiện ở một số khu vực ngoại thành đã có những khu đô thị có nhà đẹp như An Khánh, Hoài Đức… nhưng bị “đóng băng”, không hấp dẫn người dân đến ở vì thiếu đồng bộ, thiếu hạ tầng tiện ích xã hội. Theo đó, Phó Chủ tịch đề nghị bổ sung vào dự thảo tờ trình những chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu đô thị như (trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại)…
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Vũ Hồng khanh lưu ý ban soạn thảo, cần xác định giới hạn khu vực ngoại thành, bảo đảm tầm nhìn quy hoạch lâu dài theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
* Hà Nội ưu tiên phát triển VTHKCC hiện đại, bảo vệ môi trường
Tại phiên họp tập thể UBND TP Hà Nội chiều 3-5, các đại biểu cũng cho ý kiến vào các tờ trình (dự thảo) nhằm cụ thể hóa khoản 3 điều 18 Luật Thủ đô về: một số chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô các phương tiện cơ giới khác; một số chính sách ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khối lượng lớn; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải.
Theo Sở Giao thông Vận tải, toàn TP hiện có 400.000 ô tô con, trong khi chỉ có 140 điểm đỗ xe, chứa khoảng 7000 ô tô, phần lớn diện tích đỗ xe nhằm vào lòng đường, vỉa hè tạm thời. Bên cạnh đó còn có 17.000 taxi, 4 triệu xe máy, hơn 1.200 xe buýt và hàng nghìn phương tiện giao thông khác đi lại hàng ngày nhưng thiếu trung tâm quản lý điều hành giao thông hiện đại để tổng hợp xử lý các điểm ùn tắc giao thông hiệu quả… Hơn nữa, đến cuối năm 2015, TP sẽ có giao thông đường sắt đô thị (ngầm, nổi), tạo mạng lưới giao thông đa dạng... nên rất cần việc xây dựng chính sách quản lý, điều hành giao thông.
Theo dự thảo, quy định áp dụng cho quản lý, đầu tư, khai thác sử dụng hệ thống VTHKCC khối lượng lớn như đường sắt đô thị (tàu điện ngầm, tàu điện trên cao), đường sắt một ray, xe buýt nhanh, xe buýt; TP sẽ có 6 chính sách ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý đầu tư, khai thác, sử dụng hệ thống VTHKCC khối lượng lớn trên địa bàn.
Đó sẽ là ưu tiên về tổ chức giao thông, đầu tư đổi mới phương tiện VTHKCC bằng xe buýt, nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC; hỗ trợ hành khách giá vé phù hợp chi phí đi lại… cho các đối tượng. Về lâu dài, TP sẽ áp dụng công nghệ cao trong xây dựng hệ thống thu phí tự động để tiến hành thu phí giao thông đường bộ, phí giao thông vào nội đô, phí đỗ xe dựa trên hệ thống định vị toàn cầu.
Nhận định về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, đây là chính sách quan trọng để phát triển giao đô thị của Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại. Theo đó, ban soạn thảo cần chú trọng, ưu tiên chính sách phát triển hệ thống VTHKCC, trong đó, đặc biệt lựa chọn các phương tiện giao thông công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường và phải do nhà nước quản lý. Mặt khác, đối với chính sách đầu tư, TP cần xây dựng cơ chế mở, hấp dẫn để thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.
Sau phiên họp tập thể, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện tờ trình, báo cáo cấp có thẩm quyền của TƯ và TP xem xét, phê duyệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.