(HNMO) - Sáng 9-11, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Ngô Mạnh Tuấn cho biết, hiện nay thành phố Hà Nội đã, đang triển khai một số thành phần cơ bản của hệ thống giao thông thông minh.
Theo Sở GT-VT, Hà Nội đang áp dụng hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản lý hướng tới xây dựng giao thông thông minh. (Ảnh minh họa) |
Hiệu quả từ những thí điểm
Hà Nội đã đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông và các thiết bị ngoại vi giai đoạn 1. Hiện nay, dự án này đã hoàn thành đưa vào sử dụng, bước đầu đã có hiệu quả trong việc hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông với một số nội dung như sau: Điều khiển tập trung các tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông từ các nút và quan sát xử lý tín hiệu thu nhận được từ mạng lưới camera về Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông Hà Nội (54 Trần Hưng Đạo); đo đếm lưu lượng, nâng cao năng lực điều hành giao thông thông minh theo mật độ giao thông; xử lý vi phạm tự động thông qua hệ thống camera giám sát (phạt nguội)...
Sở GT-VT đang tiếp tục tham mưu UBND Thành phố triển khai dự án cải tạo, nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi giai đoạn 2, để hoàn thiện đồng bộ các chức năng, tối ưu hiệu quả và mở rộng phạm vi của dự án giai đoạn 1.
Theo đồng chí Ngô Mạnh Tuấn, Sở GT-VT đang tập trung triển khai dự án án thẻ vé điện tử do JICA tài trợ, thực hiện trong giai đoạn 2017-2019; thí điểm triển khai sử dụng hệ thống vé điện tử trên tuyến BRT 01 từ ngày 10-10-2018; thí điểm lắp đặt hệ thống camera giám sát và xử lý vi phạm tại bến xe Giáp Bát (đến nay đã thông báo lỗi vi phạm đến 341 chủ phương tiện, trong đó có 125 trường hợp vi phạm đã đến nộp phạt.
Sở GT-VT đã chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 187 trường hợp vi phạm), đang tổ chức đánh giá kết quả và nghiên cứu, đề xuất mở rộng trên các bến xe khác; thí điểm camera giám sát hỗ trợ công tác quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện áp dụng công nghệ IPARKING; camera giám sát và xử lý vi phạm tại nút giao Đại Cồ Việt - Hoa Lư - Tạ Quang Bửu để phân tích tình hình giao thông, điều khiển thông minh theo mật độ giao thông…
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội. |
Bên cạnh đó, Sở GT-VT triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động IPARKING (đã cấp phép cho 115 điểm trông giữ phương tiện áp dụng công nghệ IPARKING ở 12 quận); đã triển khai phần mềm GovOne phục vụ công tác quản lý duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TP Hà Nội, tiếp tục đề xuất mở rộng phạm vi ứng dụng đối với lực lượng Thanh tra giao thông.
Ngoài ra, Sở đang triển khai dự án: “Số hóa cơ sở dữ liệu hạ tầng và phương tiện giao thông” và “Xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến phục vụ công tác quản lý, điều hành giao thông”, phối hợp với Tập đoàn FPT xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thí điểm tại số 1 - Kim Mã. Phối hợp Siemens thí điểm lắp đặt ứng dụng công nghệ mới cho hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng - Mễ Trì…
Cần có định hướng thu hút đầu tư
Về định hướng phát triển giao thông thông minh trong thời gian tới, ông Ngô Mạnh Tuấn cho biết, Sở sẽ xây dựng khung kiến trúc cho hệ thống giao thông thông minh thành phố Hà Nội và tập trung phát triển các thành phần theo khung kiến trúc hệ thống giao thông thông minh (ITS); xây dựng trung tâm giám sát điều hành giao thông thông minh; xây dựng hoàn chỉnh bộ cơ sở dữ liệu số hóa cho hệ thống giao thông thông minh (gồm nhiệm vụ tích hợp các cơ sở dữ liệu sẵn có và xây dựng các cơ sở dữ liệu còn thiếu về hạ tầng, phương tiện, người sử dụng).
Đồng thời, Sở sẽ triển khai các nội dung cơ bản của hệ thống giao thông thông minh gồm: Hệ thống thông tin giao thông; hệ thống quản lý điều hành vận tải công cộng; hệ thống quản lý điều hành giao thông; hệ thống giám sát xử lý vi phạm…
Để thực hiện được những phần việc này, Phó Giám đốc Sở GT-VT cũng đề xuất một số công việc.
Đó là: Tiếp tục đôn đốc, tăng cường công tác giám sát đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư, chuẩn bị đầu tư đối với các dự án bến, bãi đỗ xe trên địa bàn Thủ đô để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư/nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tăng cường kêu gọi đầu tư, xã hội hóa đầu tư đồng thời kiểm soát, thẩm định chặt chẽ năng lực của các nhà đầu tư đề xuất xây dựng bãi đỗ xe.
Việc chấp thuận chủ trương đầu tư bãi đỗ xe có trọng tâm, trọng điểm ưu tiên cho các khu vực đang bức xúc, quá tải về nhu cầu bãi đỗ xe; khẩn trương hoàn thành tất các thủ tục thông qua HĐND Thành phố vào kỳ họp cuối năm 2018 đối với đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch không gian ngầm làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn.
Trong quá trình xem xét, thỏa thuận quy hoạch cũng cân nhắc lồng ghép một tỷ lệ nhất định trong khu đất xây dựng bãi đỗ xe dành cho các dịch vụ tiện ích đi kèm, nhưng đảm bảo không thay đổi chức năng cơ bản của ô đất, cũng như công suất khai thác, nhằm khuyến khích hỗ trợ nhà đầu tư.
Lãnh đạo Sở GT-VT cũng nêu ý kiến cần có cơ chế riêng về giá trông giữ xe tại các bãi đỗ xe được xã hội hóa đầu tư theo từng khu vực, đặc thù riêng, nhằm tạo điều kiện nhà đầu tư sớm hoàn vốn; ưu tiên việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng thông minh để tận dụng, khai thác tối đa quỹ đất hiện có; nâng một số mức cơ chế ưu đãi áp dụng riêng cho bãi đỗ xe ngầm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.