(HNMO) - Sau 3 tháng nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hôm qua, ngày 29-4, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định, học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 trên địa bàn thành phố đi học trở lại từ ngày 4-5-2020. Bên cạnh tâm lý hào hứng, phấn khởi, việc khẩn trương rà soát mọi điều kiện, sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường học an toàn đang được coi là nhiệm vụ, cũng là mục tiêu quan trọng nhất của các nhà trường trên địa bàn thành phố thời điểm này.
Trường học bảo đảm an toàn
Ngay sau khi có quyết định của UBND thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi phòng giáo dục và đào tạo 30 quận, huyện, thị xã và các nhà trường yêu cầu chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã ban hành bộ tiêu chí gồm 15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, trong đó nêu rõ những yêu cầu bắt buộc đối với các nhà trường, như: 100% học sinh phải khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt hằng ngày trước khi đến lớp; học sinh phải đeo khẩu trang theo quy định và bảo đảm giãn cách trong và ngoài lớp học; trường học phải có phòng y tế, phòng cách ly; giáo viên phải được tập huấn về kỹ năng xử lý khi có học sinh bị sốt, ho, khó thở…
Ghi nhận từ các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố trong ngày 30-4, một trong những công việc quan trọng mà các nhà trường tập trung thực hiện là đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo bộ tiêu chí của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Mặc dù là thời gian nghỉ lễ, song các nhà trường đều khẩn trương tổ chức họp, xây dựng phương án đón học sinh đi học trở lại an toàn và xây dựng kế hoạch tổ chức giảng dạy, bố trí thời khóa biểu theo tình hình thực tế.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cho biết, căn cứ vào bộ tiêu chí, các nhà trường tổ chức rà soát, bổ sung các điều kiện theo quy định, bảo đảm học sinh được an toàn theo quy trình khép kín, từ khi rời nhà đến trường, trong suốt thời gian học tập ở trường và khi kết thúc buổi học về nhà. Qua đánh giá, các nhà trường trên địa bàn đều bảo đảm mức độ an toàn theo 15 tiêu chí.
Ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, quận Long Biên cho biết, ngày 29-4, nhà trường đã thực hiện việc phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường, lớp học. Chiều 30-4, nhà trường tổ chức họp với toàn thể cán bộ, giáo viên để thảo luận, xây dựng kế hoạch dạy học trong tình hình mới với mục tiêu vừa bảo đảm chất lượng dạy học, vừa bảo đảm an toàn về mọi mặt cho học sinh theo các tiêu chí quy định.
Còn tại huyện Phúc Thọ, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiều Trọng Sỹ, qua rà soát, 24 trường THCS trên địa bàn đều đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo quy định, các trường đều lắp đặt bổ sung các vòi nước ở chỗ thuận tiện, chuẩn bị khẩu trang dự phòng, trang bị dung dịch sát khuẩn tay nhanh ở mỗi lớp...
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ yêu cầu các nhà trường tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế, đồng thời, lưu ý các đơn vị tuyệt đối không tổ chức dịch vụ ăn, uống tại trường.
Các nhà trường đã thông tin tới phụ huynh học sinh về phương án đi học trở lại, trong đó có đề nghị phụ huynh theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của học sinh cho giáo viên hằng ngày; chuẩn bị bình nước cá nhân để học sinh sử dụng tại trường.
Bảo đảm giãn cách, kết hợp nhiều biện pháp phòng, chống dịch
Theo ghi nhận, trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại, các nhà trường đều tuân thủ nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 28-4-2020 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, đặc biệt là yêu cầu giảm, giãn số học sinh trong phòng học.
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình thông tin, ngày 29-4, UBND quận Ba Đình đã ban hành kế hoạch về việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi học sinh đi học trở lại tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Kế hoạch nêu rõ các nội dung công việc cần triển khai, trong đó có yêu cầu các nhà trường bố trí chỗ ngồi của học sinh bảo đảm khoảng cách theo quy định. Thực hiện nội dung này, các nhà trường đã xây dựng phương án triển khai, và cơ bản đều thuận lợi bởi có tới hơn 90% số trường học đều bảo đảm mỗi lớp có một phòng học.
Vì vậy, các trường đều thực hiện việc chia lớp thành 2 nhóm để tổ chức giảng dạy. Phương án này khiến giáo viên vất vả hơn bởi số giờ dạy tăng, song toàn thể đội ngũ giáo viên đều xác định đây là nhiệm vụ và quyết tâm khắc phục để đạt mục tiêu bảo đảm an toàn nhất, đồng thời không để học sinh bị thiệt thòi trong học tập vì ảnh hưởng của dịch.
Là một trong số ít những trường có quy mô học sinh lớn trên địa bàn quận Ba Đình, ngày 30-4, Trường THCS Giảng Võ đã cơ bản hoàn thành phương án tổ chức đón học sinh đi học trở lại.
Bà Hoàng Kim Uyên, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường, cho biết, ngoài việc học tập trên truyền hình, việc tổ chức cho học sinh học trực tuyến đã được nhà trường duy trì thành nếp và bảo đảm chất lượng. Đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường xây dựng kế hoạch học tập phù hợp trong tình hình mới, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, vừa đạt chất lượng giáo dục.
Căn cứ theo điều kiện thực tế, nhà trường tổ chức cho học sinh của tất cả các khối lớp học tại trường mỗi tuần 3 buổi, 3 buổi còn lại học trực tuyến. Mỗi lớp đều được tách đôi để bảo đảm giãn cách và bố trí thời khóa biểu sáng, chiều học tại trường - tùy theo khối lớp.
Trường THCS Giảng Võ sẽ tổ chức họp phụ huynh để thông tin cụ thể về phương án triển khai, đồng thời mong muốn sự chung sức của phụ huynh trong việc chăm sóc sức khỏe và tạo điều kiện để việc học tập của học sinh ở nhà đạt hiệu quả tốt nhất.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho biết, nhà trường ưu tiên phòng học để tổ chức học tập tại trường cho các lớp 12, trong đó mỗi lớp được tách làm hai nhóm, bảo đảm yêu cầu về giãn cách giữa các học sinh trong lớp học. Học sinh khối lớp 10 và 11 cũng được tách lớp, song được bố trí học lệch giờ tại trường và đan xen giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến.
“Việc giãn cách chỉ là một trong nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Với lứa tuổi học sinh THPT, nhà trường tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để học sinh có thói quen duy trì nhiều biện pháp khác để phòng, chống dịch một cách lâu dài như tự theo dõi sức khỏe, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và nhất là phải hạn chế tiếp xúc với người lạ trên đường đi học và từ trường về nhà”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.