(HNMO) - Chiều 11-12, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, biên chế hành chính, sự nghiệp và phát động phong trào thi đua năm 2021.
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn; lãnh đạo các ban Đảng Thành ủy; lãnh đạo HĐND, UBND thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã trực thuộc thành phố Hà Nội…
Mở đầu hội nghị, Chánh Văn phòng UBND thành phố Vũ Đăng Định công bố Quyết định của UBND thành phố về giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021. Trong đó, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã giao đúng, đủ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm không thấp hơn các chỉ tiêu thành phố giao; giao dự toán thu ngân sách bảo đảm không thấp hơn dự toán thành phố giao, đối với các khoản thu cao hơn thì phải bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện, nhất là khoản thu tiền sử dụng đất...
Hướng dẫn và lưu ý một số nội dung liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, biên chế hành chính, sự nghiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, năm 2021, thành phố có 25 chỉ tiêu kế hoạch, bao gồm: 1 chỉ tiêu thu - chi ngân sách, 23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội (trong đó bổ sung 5 chỉ tiêu thành phần so với năm 2020: Lao động có bằng cấp chứng chỉ, tỷ lệ xử lý nước thải đô thị, số xã nông thôn mới nâng cao, số xã nông thôn mới kiểu mẫu tăng 5 xã, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 5%), 1 chỉ tiêu về biên chế hành chính sự nghiệp…
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện dự toán ngân sách nhà nước thành phố năm 2021, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho biết, dự toán thu ngân sách năm 2021 là 251.321 tỷ đồng, cao hơn 15.800 tỷ đồng so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; dự toán chi ngân sách địa phương (không kể chi trả nợ gốc) năm 2021 là 108.593 tỷ đồng (cao hơn 11.424 tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao).
Để thực hiện thắng lợi dự toán ngân sách năm 2021, Sở Tài chính đề nghị các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã căn cứ quyết định giao dự toán ngân sách năm 2021 của UBND thành phố để phân bổ, giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2021 cho các đơn vị trực thuộc trước ngày 31-12-2020 để các đơn vị thực hiện ngay từ đầu năm. Đồng thời, các đơn vị, địa phương cũng thực hiện quản lý, điều hành ngân sách linh hoạt, chặt chẽ, an toàn và bảo đảm cân đối ngân sách các cấp; tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Song song, thành phố yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách, thực hiện công khai tài chính ngân sách theo quy định; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Tiếp đó, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Mai Sơn cũng đã báo cáo, lưu ý những giải pháp trọng tâm liên quan nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại của năm 2020 và năm 2021.
Vượt qua thách thức để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, đây là hội nghị rất quan trọng để kịp thời triển khai các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ngân sách, biên chế, sự nghiệp năm 2021 và chuẩn bị cho một nhiệm kỳ mới.
“Hội nghị còn có ý nghĩa khi là bước đầu tiên cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII vừa qua”, đồng chí Chu Ngọc Anh nói.
Điểm lại dấu ấn đặc biệt nhất của Thủ đô trong năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Hà Nội đã đi đầu trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhận định công tác phòng, chống dịch hiện nay còn tâm lý chủ quan, trong khi Thủ đô cần bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện trọng đại của đất nước trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, trước khi triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội thì phải kiểm soát thật tốt dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác. “Phải dập tắt từ đốm lửa nhỏ, không được để lây lan dịch bệnh”, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu.
Về 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đồng chí Chu Ngọc Anh đặc biệt lưu ý, Thường trực Thành ủy và đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND thành phố sớm đề ra các chương trình hành động, có phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể. Do đó, tất cả các sở, ngành, địa phương phải xây dựng kịch bản cụ thể, có biện pháp tháo gỡ khó khăn và khẩn trương thực hiện.
Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, trước mắt, tập trung thực hiện các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm, trọng tâm là thu ngân sách đạt mức cao nhất và đôn đốc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020; đồng thời, chuẩn bị chu đáo mọi mặt để bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trên địa bàn phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các sự kiện chính trị, ngoại giao và tổ chức cho nhân dân đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 an toàn, tiết kiệm, vui tươi.
“Với tinh thần quyết tâm thi đua phấn đấu ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, thay mặt UBND thành phố, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn thành phố phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021”, đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): Khoảng 7,5%.
2. GRDP bình quân đầu người: Khoảng 135 triệu đồng.
3. Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn: 12%.
4. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 5%.
5. Chỉ số giá tiêu dùng: Dưới 4%.
6. Giảm tỷ suất sinh thô so với năm trước: 0,1%.
7. Giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên so với năm trước: 0,1%.
8. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng so với năm trước: 0,1%.
9. Duy trì 100% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
10. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: 91,5%.
11. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 39%; Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 37%.
12. Tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức): 1%.
13. Giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố: 20%
14. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị: dưới 4%.
15. Tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo: 72%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ: 50,5%.
16. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm: 85 trường.
17. Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa": 88%.
18. Tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa": 62%.
19. Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa": 72%.
20. Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch: Khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 85%.
21. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày: 100%.
22. Xử lý ô nhiễm môi trường: (i) Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đã đi vào hoạt động và xây mới) có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: 95%. (ii) Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%. (iii) Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%. (iv) Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: 28,8%.
23. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm: 14 xã; số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tăng thêm: 20 xã; số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu tăng thêm: 5 xã.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.