(HNMO) - Để triển khai chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đến nhóm đối tượng học sinh, sinh viên đạt hiệu quả cao nhất trong năm 2023-2024 sắp tới, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn Hà Nội chủ động làm việc với các cơ sở giáo dục có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT chưa cao từ tháng 4 và 5-2023.
Việc đưa BHYT vào các cơ sở giáo dục từ thời điểm cuối năm học 2022-2023 giúp các nhà trường, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về tính ưu việt, nhân văn của chính sách đến phụ huynh, học sinh, sinh viên, thu hút 100% đối tượng này tham gia theo quy định.
Cụ thể, theo Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, học sinh, sinh viên là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Nói cách khác, BHYT phải bao phủ 100% dân số là học sinh, sinh viên.
Khi tham gia, tất cả học sinh, sinh viên được hỗ trợ 30% kinh phí mua BHYT từ ngân sách. Riêng học sinh bậc mầm non, học sinh, sinh viên là con thương binh, liệt sĩ, chiến sĩ công an, bộ đội, cán bộ cơ yếu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo… được hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT.
Sử dụng thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh, học sinh, sinh viên được thụ hưởng đầy đủ chế độ như các nhóm đối tượng khác. Thời quan qua, không ít học sinh, sinh viên ở Thủ đô đã được Quỹ BHYT chi trả với số tiền hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng trong quá trình điều trị bệnh.
Đặc biệt, Quỹ BHYT còn trích lại số tiền bằng 5% tổng thu quỹ tính trên tổng số học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục có tham gia chính sách này để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên tại trường học.
Năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt gần 99%, tương ứng với hơn 2 triệu học sinh, sinh viên có tấm thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục, nhất là các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục và một số trường đại học, cao đẳng có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT mới đạt khoảng 90%...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.