(HNMO) - Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện các nhóm nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã triển khai 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể.
Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối đa.
Về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thành phố đã phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; trong đó, tổng số cụm công nghiệp quy hoạch đến năm 2020, có xét đến năm 2030 là 159 cụm, với diện tích 3.204,31ha. Hiện tại, đã có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, với diện tích là 1.328,64 ha, hỗ trợ khoảng 3.600 doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất.
Bên cạnh đó, thành phố cũng kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng 68 cụm công nghiệp, tổng diện tích là 1.016,72 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 19.600 tỷ đồng để hỗ trợ về mặt bằng sản xuất trong thời gian tới.
Về hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ, thành phố triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ; khai thác và phát triển sản phẩm trí tuệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng (kinh phí hỗ trợ từ 50 triệu đến 100 triệu đồng/doanh nghiệp/hợp đồng/năm). Đặc biệt, thành phố hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các đề tài nghiên cứu của doanh nghiệp (khoảng 1 tỷ đồng/dự án)…
Về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, thành phố đã triển khai 2 đề án: Đề án hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025. Các đề án có nhiều chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, như: Hỗ trợ kinh phí thành lập cho doanh nghiệp (phí công bố thông tin lần đầu, kinh phí làm dấu và chuyển trả kết quả cho doanh nghiệp); hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (trên 20 tỷ đồng/năm); hỗ trợ kinh phí đào tạo kiến thức khởi nghiệp sáng tạo (20 triệu đồng/doanhnghiệp/năm); hỗ trợ 50% nhưng không vượt quá 5 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phí tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung...
Để duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh, thành phố có chủ trương thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: Sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ: Thông tin, truyền thông, thương mại điện tử, thanh toán online, giáo dục trực tuyến…
Hiện, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của thành phố đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, ứng phó với dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.