(HNMO) - Ngày 25-5, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu vụ xuân 2023 tại xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ).
Theo Trung tâm Phát triển nông nghiệp, vụ xuân năm nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội triển khai 12 mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn xuất khẩu tại 6 huyện: Phúc Thọ, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mê Linh và Phúc Thọ.
Tổng diện tích của 12 mô hình là 610ha, trong đó có 30ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và 580ha canh tác an toàn, VietGAP. Các giống lúa được sử dụng trong 12 mô hình, gồm: J02, TBR225, Đài Thơm 8 và HD11. Kết quả đánh giá hiện trường cho thấy, năng suất lúa trồng theo quy trình VietGAP ước đạt 6,5-7 tấn/ha. Đối với diện lích lúa canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất dự kiến đạt 5,5-5,8 tấn/ha.
Bà Vũ Thị Ngọt ở thôn 1, xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ) chia sẻ, vụ xuân năm nay gia đình bà canh tác 3 sào giống lúa TBR225. Đây là giống lúa ngắn ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nên bà tiết giảm được khá nhiều công chăm sóc, dự kiến thu hoạch được hơn 2 tạ/sào…
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, kết quả thực hiện 12 mô hình trong vụ xuân 2023 cơ bản đã đạt được 3 tiêu chí: Năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Quy trình canh tác được Trung tâm giám sát chặt chẽ; chất lượng sản phẩm bảo đảm an toàn để cung ứng cho người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Để bảo đảm tiêu thụ cho nông dân tham gia mô hình, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Đến nay, đã có 5 doanh nghiệp tham gia liên kết với các hợp tác xã để tiêu thụ lúa gạo cho bà con. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu; tăng cường xúc tiến tiêu thụ và quảng bá sản phẩm, tiến tới hình thành các chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và người sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.