Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội tổng kết 13 năm thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng

Phong Thu - Ảnh: Anh Tuấn| 10/08/2017 09:12

(HNMO) - Sáng 10-8, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị Tổng kết 13 năm thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng, triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng của TP Hà Nội.


Đến dự hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Chu Văn Yêm; Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà.

Về phía TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Phùng Minh Sơn đã trình bày báo cáo đánh giá 13 năm thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng (2004-2017), trong đó nêu những kết quả đạt được và những bất cập, hạn chế trong thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng; đồng thời nêu những kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua - Khen thưởng.

Hội nghị đã nghe 7 đơn vị tham luận về thực trạng thực hiện các nội dung công tác thi đua, khen thưởng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những kết quả mà TP Hà Nội đã đạt được, đồng thời chỉ đạo: TP Hà Nội tiếp tục chủ động, sáng tạo tìm kiếm các giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng. Kết quả đó phải được gắn với thực tiễn đổi mới phát triển triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế của Thủ đô và đất nước, hiệu quả, thực chất, không chạy theo hình thức. Hà Nội cần tiếp tục phát huy các cách làm sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thông qua các mô hình, giải pháp cụ thể nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng tâm hiệp lực của các cấp các ngành. Cùng đó, cần tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa phong trào thi đua yêu nước, người tốt, việc tốt và các phong trào khác gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...


Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị.


Tiếp thu những ý kiến của Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, Luật Thi đua - Khen thưởng được ban hành ngày 26-11-2003 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất trong tổ chức và triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Nêu một số kết quả nổi bật của thành phố trong 13 năm thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Thông qua cách làm mới và sáng tạo, chất lượng công tác thi đua, khen thưởng của thành phố được thực hiện thiết thực, hiệu quả hơn. Người lao động trực tiếp có thành tích được phát hiện và khen thưởng kịp thời, tỷ lệ ngày càng tăng (năm 2016 đạt tỷ lệ gần 90%). Thành phố cũng đã làm tốt việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến...

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng nêu một số bất cập, hạn chế trong quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng, gồm 3 vấn đề chính. Đó là, các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng nhìn chung chưa được ban hành kịp thời; hệ thống văn bản còn tương đối cồng kềnh, phức tạp (trong 13 năm có 2 lần sửa Luật, ban hành 7 Nghị định, 4 Thông tư). Luật Thi đua - Khen thưởng có đối tượng điều chỉnh rộng nhưng tiêu chuẩn khen thưởng cho từng đối tượng còn mang tính khái quát, chưa cụ thể hóa, chủ yếu tập trung trong cán bộ, công chức, công nhân viên nhà nước. Thủ tục hành chính, thẩm quyền khen thưởng quy định trong Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành còn phức tạp, nhiều điểm chưa rõ ràng, còn chồng chéo. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định, sau hội nghị này, TP Hà Nội sẽ hoàn thiện báo cáo gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để tổng hợp, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua - Khen thưởng.

Để phong trào thi đua, công tác khen thưởng của thành phố trong thời gian tới tiếp tục thu được nhiều thành quả, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc thành phố bám sát chỉ đạo của trung ương và thành phố. Theo đó, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau: Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các quận, huyện, thị xã; các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể, các đơn vị phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TƯ ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, trưởng các phòng, ban, ngành phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng tại cơ quan, đơn vị. Lấy kết quả thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tập trung chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng theo 5 nội dung: Đổi mới hoạt động cụm thi đua; đổi mới nội dung, hình thức phát động các phong trào thi đua; đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành và việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng mức độ 3; kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp gắn với hoạt động thực tiễn của đơn vị, đảm bảo số lượng, tính kế thừa và ổn định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tổng kết 13 năm thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.