Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Tín hiệu vui ngay từ tháng đầu năm

Hưng Thịnh| 30/01/2018 16:31

(HNMO) - Chiều 30-1, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên đã thông tin về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế...


♦ Hà Nội: Giải quyết dứt điểm việc chậm lương 2 năm của công nhân thuỷ lợi


Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD

Ông Phạm Quí Tiên cho biết, trong tháng 1, thành phố đã ban hành một số văn bản quan trọng như: Chương trình công tác của UBND thành phố năm 2018; Chỉ thị về tăng cường phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Hà Nội; Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Kế hoạch kiểm tra công vụ năm 2018; Kế hoạch hỗ trợ nhà ở hộ nghèo trên địa bàn thành phố…

Kinh tế trong tháng 1-2018, tiếp tục đà phát triển khá, các chỉ số chủ yếu đều tăng cao hơn tháng cùng kỳ năm 2017: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,7% (tháng 1-2017 tăng 4,26%); tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 16,9% (tháng 1-2017 tăng 9,3%); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 19.231 tỷ đồng (bằng 8% dự toán), chi ngân sách địa phương 2.700 tỷ đồng.

Trong tháng 1, các doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, với giá trị hàng dự trữ ước đạt 26 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD, tăng 24% (tháng 1-2017 tăng 3,6%); kim ngạch nhập khẩu đạt 2,9 tỷ USD, tăng 39,2% (tháng 1-2017 giảm 0,9%); khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội đạt 373 nghìn lượt, tăng 34,8% (tháng 1-2017 tăng 30,9%), khách nội địa 871 nghìn lượt, tăng 7,1% (tháng 1-2017 tăng 5,5%); doanh thu dịch vụ du lịch đạt 5,56 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% (tháng 1-2017 tăng 5,4%).

Ông Phạm Quí Tiên, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội thông tin tại buổi giao ban báo chí chiều 30-1.


Bên cạnh đó, thu hút đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh. Trong tháng 1, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án vốn ngoài ngân sách với 2.465 tỷ đồng; vốn đầu tư FDI đạt 62,77 triệu USD; có 1.911 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký 16.054 tỷ đồng; sản xuất nông nghiệp ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, thu hoạch được 76,4% diện tích cây vụ đông và bắt đầu triển khai sản xuất vụ xuân.

Ngoài ra, công tác quản lý giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường được tăng cường, đảm bảo tốt nhất phục vụ nhân dân đón Tết. Công tác trang trí đường phố, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được chuẩn bị tốt cho việc kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân. Các hoạt động văn hóa – xã hội được duy trì và phát triển tốt theo kế hoạch.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được bảo đảm. Quốc phòng địa phương được tăng cường. Thành phố đã triển khai kế hoạch tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2018; kế hoạch bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán.

Thực hiện chương trình hành động của UBND thành phố

Theo Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên, trong tháng 2, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần hoàn thành kế hoạch quý I/2018. Trước hết, tập trung triển khai thực hiện chương trình hành động của UBND thành phố thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, các nghị quyết của HĐND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Tết cổ truyền đang đến gần, các cấp, các ngành thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-UBND ngày 30-12-2017 về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 trên địa bàn thành phố. Theo đó, các ngành chức năng thành phố sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái; chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, lễ hội trên địa bàn; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đua xe; tăng cường phòng, chống cháy nổ, đốt pháo; tổ chức tốt giao thông, bảo đảm đủ phương tiện vận chuyển đưa người dân, công nhân, học sinh, sinh viên về quê ăn Tết; tổ chức, quản lý tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội.

Các ngành, nhất là Sở Công Thương Hà Nội liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố bảo đảm nguồn hàng và tổ chức bán hàng phục vụ Tết, bố trí các điểm bán hàng bình ổn giá, điểm bán hàng tại các khu, cụm công nghiệp, khu vực xa trung tâm, bố trí các chợ hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu nhân dân.

Bên cạnh đó, tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất; tổ chức thăm hỏi, động viên công nhân, người lao động tích cực hăng hái sản xuất, hoàn thành các đơn hàng, hợp đồng; trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ Tết để bảo đảm kế hoạch sản xuất kinh doanh; bảo đảm các dịch vụ đô thị, nông thôn như: Cung cấp điện, nước, chiếu sáng, trang trí đường phố, vệ sinh môi trường…

Các cấp, các ngành thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; các cơ quan, đơn vị quán triệt công chức, viên chức, người lao động bắt tay vào làm việc ngay sau đợt nghỉ Tết, thực hiện trực Tết nghiêm túc; tiếp tục thu hoạch vụ đông, thực hiện các giải pháp chống hạn, cung cấp nước tưới, chuẩn bị giống cây trồng, vật nuôi cho vụ xuân; hoàn thành gieo cấy vụ xuân theo kế hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tín hiệu vui ngay từ tháng đầu năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.