(HNM) - Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội trình HĐND TP tại kỳ họp tới đây, trong giai đoạn 2011-2015, TP dự kiến sẽ triển khai và quản lý hơn 1.000 dự án đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB).
Vấn đề được quan tâm hiện nay là chính quyền các cấp TP sẽ phải "đột phá" trong công tác chỉ đạo, điều hành thế nào để có thể huy động đủ nguồn lực cũng như quản lý tốt việc thực hiện khối lượng lớn công việc này.
Công trình nhiều, nguồn vốn lớn
UBND TP Hà Nội dự kiến triển khai hơn 1.000 dự án trong giai đoạn 2011-2015 với tổng mức đầu tư 569.114 tỷ đồng, trong đó tổng nhu cầu vốn của giai đoạn này để triển khai thực hiện là 389.400 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực phát triển giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị chiếm số lượng dự án nhiều nhất với 446 dự án và có tổng mức đầu tư lên tới 430.400 tỷ đồng, tổng nhu cầu vốn thực hiện giai đoạn 2011-2015 là 281.632 tỷ đồng. Đứng thứ hai là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với 306 dự án có tổng mức đầu tư 67.284 tỷ đồng, tổng nhu cầu vốn 65.016 tỷ đồng. Xếp thứ ba là lĩnh vực phát triển văn hóa xã hội với 211 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 67.056 tỷ đồng, tổng nhu cầu vốn thực hiện trong giai đoạn là 38.687 tỷ đồng. Số còn lại là 35 dự án thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, nội chính và 15 dự án phát triển khoa học công nghệ thông tin và truyền thông.
Phát triển giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị là lĩnh vực đứng đầu về số dự án. Ảnh: Linh Ngọc
Ngoài ra, theo tổng hợp báo cáo của các quận, huyện, thị xã, dự kiến trong giai đoạn 2011-2015, nhu cầu đầu tư cho các dự án cải tạo, nâng cấp, xây mới hạ tầng kỹ thuật và xã hội thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện theo phân cấp lên tới khoảng 86.000 tỷ đồng. Tính chung cả TP, tổng nhu cầu đầu tư của cấp TP và quận, huyện, thị xã giai đoạn 2011-2015 lên đến 475.400 tỷ đồng.
Theo tính toán ban đầu, tổng khả năng cân đối và huy động của ngân sách TP (cả cấp TP và cấp huyện, xã) trong giai đoạn 2011-2015 có thể được 370.000 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn từ ngân sách tập trung trên cơ sở tăng trưởng kinh tế dự báo, có thể cân đối cho chi đầu tư XDCB là 44.200 tỷ đồng; 56.000 tỷ đồng vốn ngoài nước từ các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); 10.000 tỷ đồng từ các nguồn thu khác và huy động của ngân sách địa phương; đặc biệt là 259.000 tỷ đồng khai thác các nguồn thu từ nhà, đất và từ triển khai các hình thức đầu tư BT, BOT. Như vậy, bỏ qua các nguồn lực từ ngân sách (trên cơ sở bảo đảm khả năng thu ngân sách), nguồn lực đầu tư cho hơn 1.000 dự án trong giai đoạn 2011-2015 phụ thuộc chính vào khai thác từ nhà, đất và từ triển khai các hình thức đầu tư BT, BOT - thực chất cũng là dựa vào đất đai.
Đó là chưa kể, phần vốn trong 475.400 tỷ đồng chưa được cân đối trong tính toán (trừ đi 370.000 tỷ đồng) còn tới 85.400 tỷ đồng, chưa biết dựa vào nguồn nào.
Làm gì để các dự án đều về đích?
Trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ hiện nay, những con số quá lớn về nhu cầu vốn đầu tư nói trên không khỏi khiến nhiều người "choáng váng" vì câu hỏi: Lấy đâu ra tiền để đáp ứng? UBND TP đã xác định 7 nhóm giải pháp để trả lời cho câu hỏi này bao gồm phát triển nguồn thu ngân sách, tăng cường thu hút nguồn vốn ODA, lập ban chỉ đạo cấp TP về triển khai các công trình BT, phát hành trái phiếu, tăng cường đấu giá quyền sử dụng đất, đẩy mạnh xã hội hóa và sắp xếp các dự án ưu tiên để bố trí vốn phù hợp.
Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay, những giải pháp tưởng chừng dễ dàng thực hiện nhằm đáp ứng đủ nguồn lực về vốn để thực hiện hơn 1.000 dự án trong những năm tới lại chứa đựng rất nhiều vấn đề cấp thiết cần tập trung xử lý. Về giải pháp tăng thu ngân sách, vấn đề chủ yếu có lẽ là cải cách hành chính. Nhiều năm qua, Hà Nội năm sau luôn có nguồn thu ngân sách tăng cao hơn so với năm trước, duy nhất chỉ có chuyện nhiều năm nay, vẫn luôn có những lời than vãn về sự phức tạp về thủ tục hành chính đã cản trở tiến độ thu và tính chủ động, linh hoạt của địa phương trong việc thu. Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt, tiến độ giao nhiệm vụ thu ở một số nơi hiện nay còn chậm mặc dù đã có sự nhắc nhở.
Hai biện pháp thu hút vốn ODA và phát hành trái phiếu phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan nên tạm gác sang một bên. Đẩy mạnh đầu tư theo hình thức BT là giải pháp cần thiết, nhưng hiện nay đang nổi lên tình trạng nợ tiền sử dụng đất nhằm chiếm dụng vốn nhà nước của một số nhà đầu tư BT. Thực tế này, khiến tính ưu việt của mô hình này bị ảnh hưởng, Nhà nước đôi khi vừa phải ứng trước vốn đầu tư cho doanh nghiệp, lại còn bị doanh nghiệp chây ỳ nộp tiền sử dụng đất. Sở dĩ còn có tình trạng này, vì quy định của Nhà nước chưa chặt chẽ, chế tài chưa đủ mạnh. Hiện nay, những người quan tâm đang rất trông chờ vào quy định mới về quản lý đầu tư mà UBND TP đang xây dựng với kỳ vọng, chế tài sẽ đủ mạnh để kiểm soát hành vi các nhà đầu tư BT.
Đối với giải pháp đấu giá quyền sử dụng đất, Hà Nội đang vướng phải trở lực rất lớn khi các địa phương "kêu trời" về quy trình đấu giá đất mới theo quy định của Chính phủ là phải thuê các đơn vị đấu giá đất chuyên nghiệp. Kết quả đấu giá đất năm 2011 đến nay đã vượt dự kiến về số tiền, nhưng chủ yếu là kết quả đấu giá theo quy trình cũ chuyển tiếp sang. Số tiền thu được từ đấu giá đất theo quy trình mới chỉ đạt khoảng 10% kế hoạch. Điều này dấy lên mối lo ngại, năm 2012, các quận, huyện phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu đấu giá đất để đầu tư phát triển sẽ làm cách nào để cân đối, khi việc đấu giá đất không được tháo gỡ…
Để trả lời câu hỏi nguồn lực từ đâu để thực hiện hơn 1.000 dự án, trước mắt cần dốc sức khắc phục những vấn đề cấp bách đang đặt ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.