Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Tìm hướng phát triển làng nghề

Bạch Thanh| 11/04/2012 06:48

(HNM) - Mặc dù có nhiều lợi thế, song các làng nghề ở Hà Nội đang tồn tại nhiều bất cập. Thiếu mặt bằng sản xuất, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm và tăng giá, khó tiếp cận vốn, gây ô nhiễm môi trường, thu nhập giảm, lượng lao động giảm…


Nghề làm quạt tại làng nghề Chàng Sơn (huyện Thạch Thất). Ảnh: Thái Hiền

Hà Nội là nơi tập trung nhiều làng nghề (LN) thủ công mỹ nghệ như: sơn mài, gốm, sứ, chạm khắc gỗ, đan lát, thêu ren, dệt, chế biến nông sản… Với lợi thế về trình độ, chất lượng nguồn nhân lực, TP Hà Nội đã xây dựng và phê duyệt đề án "Bảo tồn và phát triển nghề, LN Hà Nội" giai đoạn 2010-2015 với nguồn vốn đầu tư lên tới 3.620 tỷ đồng nhằm tiếp sức cho các làng nghề phát triển.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An, trong bối cảnh khó khăn chung, hầu hết các LN của Hà Nội đều đang đứng trước nhiều thách thức. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao, đặc biệt lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức 20-22% khiến nhiều làng nghề ở Hà Nội buộc phải dừng sản xuất, hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Điển hình như LN mây tre đan Phú Vinh giảm trên 30%, làng sơn mài Hạ Thái gần 20%...

LN Phú Túc (huyện Phú Xuyên) có gần 2.000 hộ dân, hơn 90% làm nghề mây tre đan. Dù nơi đây từng được coi là "làng tỷ phú", nhưng vào thời điểm này, quy mô sản xuất đã thu hẹp tới 50%, nhiều DN phải đóng cửa do hàng làm ra "đắp chiếu" trong kho không có người mua. Làm không đủ ăn, nhiều gia đình đã phải bỏ nghề. Bà Đặng Thị Lan ở thôn Lưu Xá chia sẻ: "Trước kia gia đình lấy nghề mây tre đan làm nghề chính, nhưng nay phải quay lại lấy nghề nông là chính. Lúc nông nhàn, nếu có đơn hàng tôi mới nhận làm gia công thêm cho một số cơ sở sản xuất trong vùng nhưng thu nhập rất thấp".

Làm thế nào để các LN truyền thống có thể phát triển một cách bền vững luôn là nỗi day dứt thường trực của mỗi người dân LN. Không chịu cảnh để một số nghề truyền thống ở Hà Nội "chết mòn", một số DN, LN đã tự tìm cho mình những hướng đi mới để khẳng định vị thế, tiếp tục tồn tại và phát triển. Ông Nguyễn Văn May chủ DN mây tre Phú Tuấn xã Phú Túc tiết lộ, trong khó khăn, mỗi năm DN của ông vẫn xuất khẩu hàng trăm container các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ra nước ngoài, doanh thu ước tính đạt 10 tỷ đồng. Nhờ có các đơn đặt hàng lớn ở nước ngoài mà DN đã giải quyết được việc làm cho gần 1.000 lao động trong và ngoài xã. Hiện tại, sản phẩm mây tre đan của DN Phú Tuấn được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Nhật Bản, Đông Âu, Nga, Canada đang bước đầu mở rộng sang thị trường Nam Mỹ... Ông May cho rằng, đây là những thị trường rộng lớn, tiềm năng để các DN có thể tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên, để có thể tồn tại ở các thị trường này, sản phẩm làm ra phải có chất lượng tốt, loại bỏ các mẫu mã đơn giản, thiếu sức hấp dẫn. Đặc biệt, nhà sản xuất phải nắm được thị hiếu của người tiêu dùng, tránh rơi vào tình trạng mẫu mã bị lỗi thời, lạc hậu.

Để các LN truyền thống có thể tồn tại và phát triển bằng cách tự tìm cho mình những hướng đi mới là rất khó khăn. Vì vậy, các LN cũng rất cần sự ủng hộ của Nhà nước bằng các chính sách hỗ trợ tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ chi phí tham dự các hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm, hoặc xem xét có cơ chế khuyến khích các ngân hàng đưa ra những gói lãi suất vay vốn "dễ thở" hơn để DN có điều kiện tồn tại, vượt qua khó khăn và tiếp tục mở rộng hoạt động trong tương lai.

TS Lê Đức Thịnh - Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) cho rằng: Bài học lớn nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay là các LN Hà Nội phải tự cứu mình, tự học các mô hình của nhau thông qua việc cải tổ cơ cấu LN, các hiệp hội, doanh nghiệp, các thể chế... Đồng thời phải thay đổi tư duy, phương thức quản lý hộ nghề, nâng cao khả năng thích ứng với các biến động kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tìm hướng phát triển làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.