(HNMO) - Sáng 14-5, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Về thực trạng công tác quản lý thuế trên địa bàn thành phố Hà Nội và kiến nghị, giải pháp thực hiện pháp luật về quản lý thuế trong thời gian tới; góp ý vào một số nội dung lớn trong dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)”.
|
Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thuế trên địa bàn, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn cho biết, Cục Thuế quản lý thu thuế trên 169.997 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoạt động, hơn 176.262 hộ kinh doanh, hơn 3,3 triệu mã số thuế thu nhập cá nhân và gần 2 triệu hộ gia đình nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Qua hơn 10 năm thực hiện Luật Quản lý thuế, công tác quản lý thuế, thu thuế đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả thu nội địa giai đoạn 2009-2018 đạt 1.420.828 tỷ đồng, số thu qua các năm đều tăng và đều hoàn thành vượt so với dự toán (năm 2018 đạt 226.972 tỷ đồng, đạt 104% dự toán).
Đến nay, hệ thống kê khai thuế điện tử đã được triển khai đến tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Số lượng doanh nghiệp đang thực hiện khai thuế qua mạng đạt tỷ lệ trên 98%.
Cục Thuế thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Quốc hội xem xét sớm thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) hoàn chỉnh, toàn diện nhằm mục đích tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế; trong quá trình hướng dẫn thực hiện và triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các bộ phận, các khâu trong công tác thuế và giải quyết thủ tục hành chính....
Tại hội nghị, góp ý vào dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), các cử tri cho rằng, dự thảo luật đã cụ thể hóa, tăng tính minh bạch so với luật hiện hành, vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế vừa bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước và từng bước tiếp cận thông lệ quốc tế.
Liên quan đến giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, quản lý hoạt động thương mại điện tử, cử tri đánh giá dự thảo luật đã cụ thể hóa các loại hóa đơn điện tử. Đây là bước tiến so với luật hiện hành và là hành lang pháp lý cơ bản để hiện đại hóa các hoạt động quản lý thuế, áp dụng rộng rãi, phổ biến quản lý thuế điện tử và đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng được cơ chế phối hợp chặt chẽ, phù hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước như các ngành: Công Thương, Thuế, Ngân hàng. Cùng với đó, cử tri đồng tình không bổ sung việc khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các trường hợp người nộp thuế bị thiên tai bất khả kháng...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, các ý kiến góp ý đã bao quát tất cả các nội dung liên quan đến công tác quản lý thuế. Đây là nền tảng cơ bản cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội cân nhắc, lựa chọn và thảo luận, quyết định khi xem xét, thông qua dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV sắp tới…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.