(HNM) - Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như mục tiêu phát triển của doanh nghiệp (DN), trong nhiều năm qua, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng mạng lưới.
Vai trò, ý nghĩa quan trọng của hạ tầng viễn thông trong phát triển KT-XH là không thể phủ nhận. Song, ở một góc độ khác thì chính sự phát triển mạnh mẽ này cũng đã gây ra không ít hệ lụy làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn của người dân. Thực hiện "Năm trật tự văn minh đô thị 2014", Hà Nội đã mạnh tay thanh thải, sắp xếp lại hệ thống dây, cáp đi nổi tại hàng loạt tuyến phố và năm 2015 thành phố tiếp tục thực hiện chủ trương này.
Như đã nói ở trên, nhắc đến sự phát triển KT-XH trong thời gian qua không thể không kể đến vai trò của các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp - ngành kinh tế quan trọng có đóng góp lớn không chỉ cho ngân sách nhà nước mà còn tạo ra nhiều giá trị trong đời sống, trở thành nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân. Song cũng có một thực tế tồn tại từ nhiều năm nay đó là nhiều tuyến đường, phố lớn của Thủ đô bị từng bó dây, cáp thông tin giăng như mạng nhện mắc qua cột đèn chiếu sáng, cột điện và cả hàng cây võng xuống đường phố làm xấu bộ mặt đô thị và gây nguy hiểm cho người dân. Từ năm 2005, VNPT Hà Nội đã đầu tư xây dựng công trình ngầm kỹ thuật tại một số tuyến trong khu vực phố cổ để bảo đảm cảnh quan đô thị. Còn lại các nhà cung cấp dịch vụ khác đều chọn theo hình thức chăng dây, cáp đi nổi, trên hệ thống cột chiếu sáng, cột điện, cây xanh. Theo phản ánh của cơ quan quản lý, mặc dù ngành điện có đưa ra mức giá thuê cột điện, có nghĩa là có thu phí của các DN viễn thông, truyền hình cáp song cũng không thể quản lý nổi có bao nhiêu sợi dây, cáp mắc qua cột điện. Các nhà mạng cũng chỉ "lo" việc phát triển thuê bao của mình nên cứ chăng mắc dây, thậm chí nhiều sợi dây không sử dụng nhưng vẫn treo trên cột…
Từ năm 2010 đến nay, thành phố cùng các quận nội thành đã đầu tư xây dựng hàng chục công trình ngầm kỹ thuật, đồng thời cho phép các DN như VNPT Hà Nội, Viettel đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa. Nhưng có một thực tế là dù nhiều công trình ngầm được đưa vào khai thác, song nhiều nhà cung cấp vẫn không chịu hạ ngầm dây, cáp đi nổi vào hệ thống tuy nen kỹ thuật, mà chọn cách chăng, mắc dây thông tin tràn lan đi nổi. Từ những vấn đề này đã đặt ra trách nhiệm với cơ quan quản lý và thành phố là phải làm đẹp bộ mặt mỹ quan đô thị, trong đó có việc sắp xếp lại hệ thống dây thông tin đi nổi. Kể từ tháng 6-2014 đến nay, thực hiện "Năm trật tự văn minh đô thị 2014", UBND TP Hà Nội đã giao cho các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ trì thực hiện 3 đợt thanh thải, sắp xếp đường dây cáp thông tin đi nổi tại nhiều tuyến phố nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị. Trong đó, lần thứ nhất thực hiện tại 13 tuyến phố, lần thứ hai thực hiện tại 20 tuyến và lần thứ ba (đang triển khai, dự kiến cuối tháng 12-2014 sẽ hoàn thành) thanh thải, sắp xếp tại 55 tuyến phố. Theo Sở Thông tin và Truyền thông, tại nhiều tuyến phố, sau khi sắp xếp, thanh thải dây đã loại bỏ được 2/3 số lượng dây không sử dụng. Đặc biệt sau khi sắp xếp lại hệ thống dây, cáp đi nổi đều được treo ở những vị trí quy định, có gắn tên nhà cung cấp để thuận tiện trong việc quản lý, nhất là khi xảy ra sự cố.
Trong quá trình thực hiện, có những lúc xảy ra tình trạng phối hợp chưa tốt dẫn đến việc cắt nhầm dây, cáp thông tin ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ của các nhà mạng và thiệt hại thuộc về khách hàng. Điều này cũng đã được dư luận phản ánh, cũng được cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị trực tiếp thu dọn là Công ty Chiếu sáng rút kinh nghiệm. Song, để xảy ra chuyện này trách nhiệm trước hết và chủ yếu vẫn là thuộc về chính các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp. Mà đầu tiên đó là sự làm ăn không quy củ, dù không phải bỏ tiền đầu tư xây dựng công trình ngầm, nhưng khi Nhà nước đã đầu tư hoặc DN đầu tư theo hình thức xã hội hóa và yêu cầu hạ ngầm thì nhiều DN không muốn tốn thêm chi phí, cố tình mắc giăng đi nổi làm xấu đô thị… nên khi cơ quan quản lý nhà nước siết chặt, họ phải trả giá. Thứ hai, khi phục vụ khách hàng, có nhiều tuyến dây, cáp không sử dụng, nhưng để chờ, họ cố tình treo lại trên cột, không những gây nguy hiểm cho người dân, lại còn làm xấu bộ mặt đô thị, nên khi cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý, họ không thể không ảnh hưởng… Cũng chính vì sự làm ăn "không quy củ" của các nhà mạng, nên có không ít khách hàng phải chịu thiệt hại theo vì bị mất mạng không truy cập được dịch vụ internet… và điều này cũng trực tiếp ảnh hưởng đến chính các nhà cung cấp vì rất có thể khách hàng sẽ rời bỏ tìm đến nhà mạng khác phục vụ tốt hơn.
Những thông tin như kể trên để thấy, với các DN viễn thông, truyền hình cáp, bên cạnh nhiệm vụ phát triển, đã đến lúc cần phải chọn giải pháp kinh doanh bài bản không chỉ phục vụ tốt hơn khách hàng mà còn giúp chính các DN trong cạnh tranh. Như đã nói ở trên, năm 2015 Hà Nội tiếp tục thực hiện "Năm trật tự văn minh đô thị" do vậy điều dễ hiểu là Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp dây cáp thông tin cho gọn gàng, vì vậy nếu các nhà mạng không chủ động, thì chính họ sẽ chịu thiệt hại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.