Xã hội

Hà Nội: Thực hiện tốt quy định về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp dân

Đình Hiệp 15/07/2025 16:46

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ngày 14-7 thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ký ban hành văn bản số 1699-CV/TU về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU và Chỉ thị số 36-CT/TU trong tình hình mới.

Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 1-10-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy "về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước" và Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 28-11-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy “về đẩy mạnh công tác dân vận trong công tác quy hoạch; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội", thời gian qua, công tác dân vận của cơ quan nhà nước và công tác dân vận trong lĩnh vực quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã có chuyển biến tích cực.

Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được triển khai và nhân rộng. Công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm phát huy tác dụng thiết thực. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số chuyển đổi số (DTI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của thành phố Hà Nội có tiến bộ trong nhiều năm liên tiếp và thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Tuy nhiên, ở một số nơi, nhận thức của cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò công tác dân vận của các cơ quan nhà nước chưa thực sự sâu sắc; việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 07 và Chỉ thị số 36 còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, chưa phù hợp thực tiễn.

Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân có lúc, có việc còn chậm, chưa dứt điểm. Trong khi đó, ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một số cán bộ, công chức ở địa phương, sở, ngành còn hạn chế…

Trong bối cảnh đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc triển khai công tác dân vận trên địa bàn Thủ đô đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng và tiến độ, đòi hỏi phải tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy, nội dung, phương thức hoạt động.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam từ thành phố đến cơ sở tập trung thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ.

Cụ thể, các cấp ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung, mục tiêu, yêu cầu của Chỉ thị số 07-CT/TU và Chỉ thị số 36-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy trong tình hình mới; rà soát, ban hành kế hoạch cụ thể hóa các chỉ thị phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị, gắn với nhiệm vụ ổn định, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, nhất là đối với 126 đơn vị hành chính cấp xã.

Cấp ủy các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cấp ủy, đơn vị các cấp tiếp tục thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa, xây dựng “chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”.

Các cấp ủy chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác dân vận; ban hành chương trình, kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng làm công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, lực lượng vũ trang trong việc nắm chắc tình hình nhân dân, tình hình dân tộc, tôn giáo, dư luận xã hội, kịp thời giải quyết các kiến nghị, phản ánh, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân; không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp, phức tạp kéo dài, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn; không để gián đoạn trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là giải quyết công việc liên quan trực tiếp đến người dân.

Các đơn vị mới thành lập rà soát, ban hành kịp thời quy chế thực hiện dân chủ theo quy định của luật; sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ trong các loại hình mới theo thẩm quyền của các xã, phường khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Hà Nội: Thực hiện tốt quy định về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp dân

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.