Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Thông qua quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030

Minh Huệ| 11/07/2014 09:25

(HNMO)- Sáng 11-7, tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã thông qua dự thảo Nghị quyết về “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội đến năm 2030”.

Theo đó, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; Chiến lược quốc gia về đa dạngsinh học; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Quy hoạch Bảo tồn Đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phù hợp với các quy hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan của Thành phố, như: Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Vườn thực vật Hà Nội cũng nằm trong quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố đến năm 2030


Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, duy trì và phát triển các dịch vụ sinh thái, bảo vệ môi trường, bảo vệ, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học. Duy trì tính ổn định của hệ thống các khu bảo tồn rừng đặc dụng, vùng nước nội địa hiện có. Bảo đảm an toàn đa dạng sinh học, từng bước giảm mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Huy động mọi nguồn lực, kinh nghiệm, hành động tích cực cụ thể của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học; bảođảm các nguyên tắc về chia sẻ công bằng, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan. Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế nhằm thu hút, huy động nguồn lực, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học...

Việc thông qua quy hoạch nhằm đảm bảo các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù của Hà Nội, các loài và các nguồn gen quý hiếm, tài nguyên rừng được bảo tồn, phát triển, sử dụng hợp lý góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội theo hướng bền vững.


Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020: củng cố và phát triển các khu bảo tồn hiện có (Vuờn Quốc gia Ba Vì, khu K9); thành lập 03 khu bảo tồn mới và chuyển đổi rừng đặc dụng Hương Sơn thành khu bảo vệ cảnh quan; củng cố, phát triển và cấp giấy chứng nhận' cơ sở Bảo tồn Đa dạng sinh học cho 05 cơ sở; bảo vệ và phát triển có hiệu quả các diện tích rừng tự nhiên (6.770,53ha hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới cây lá rộng trên núi đất ở độ cao dưới 600m và 15,11 ha hệ sinh thái rừng hỗn giao tre nứa xen cây gỗ); trồng rừng và cây phân tán để đưa tỷ lệ che phủ rừng lên 7,5% ; bảo vệ và phát triển hệ sinh thái đất ngập nước; giữ nguyên số lượng và tập trung cải tạo cảnh quan, chất lượng nước một số hồ tự nhiên và nhân tạo thành phố; ưu tiên bảo vệ và phát triển các nguồn gen quý hiếm, các loài cây trồng vật nuôi đặc sản của thành phố Hà Nội, như: cam Canh, bưởi Diễn, đào Nhật Tân, húng Láng, rau muống Linh Chiểu, gà mía, cá rô đầm sét...; bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái đô thị đặc thù thành phố Hà Nội. Tăng tỷ lệ cây xanh lên 10-12m2/người. Ưu tiên trồng các loài cây bản địa có giá trị kinh tế, cảnh quan và cải tạo nâng cao chất lượng môi trường sống; lập danh mục cặc loài sinh vật ngoại lai, xác đinh được các loài sinh vật ngoại lai xâm hại và tình hình phân bố trên địa bàn thành phố Hà Nội. Xác đinh mức độ ảnh hưởng của một số loàisinh vật ngoại lai xâm hại đến đa dạng sinh học, vật nuôi, cây trồng và nguồn lợi thủy sản.

Chỉ tiêu đến năm 2030: thành lập mới 04 khu bảo tồn; củng cố, phát triển và cấp giấy chứng nhận cho 06 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; tiếp tục cải tạo cảnhquan, chất lượng nước một số hồ tự nhiên và nhântạo trong Thành phố; tăng tỷ lệ che phủ rừng đạt 7,7%; 100% các loài ngoại lai trên địa bàn Thành phố được đưa vào danh mục kiếm soát và được cập nhập định kỳ theo ba nhóm danh mục: danh mục trắng (được phép nuôi, trồng), xám (được phép nuôi, trồng có điều kiện), đen (cấm nuôi, trồng) và có các biện pháp quản lý phù hợp; củng cố và phát triển các khu vực bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ các nguồn gen quý hiếm, các loài cây trồng vật nuôi đặc sản thông qua các dự án, các mô hình xã hội hóa bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng.

Dự kiến kinh phí đầu tư cho việc triển khai thực hiện Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học Thành phố Hà Nội đến năm 2030 khoảng 73,5 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư, bao gồm: ngân sách nhà nước; xã hội hoá (doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước); tài trợ nước ngoài;...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Thông qua quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.