(HNMO) - Trong những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội được ghi nhận đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào việc mở rộng và phát triển mạng lưới giao thông vận tải để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và dân số. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng còn góp phần quan trọng nâng giá trị bất động sản ở Thủ đô.
Hầu hết những hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng đã được đưa vào Quy hoạch Phát triển Đô thị của Hà Nội cho tới năm 2030, tầm nhìn 2050, mà hiện tại đang được đưa ra lấy ý kiến. Những công trình chính được dự tính cho việc phát triển Hà Nội bao gồm: đường sắt, đường bộ trên cao, cầu, đường bộ.
Theo đó, về đường sắt, bên cạnh hệ thống hiện tại, Hà Nội đã xác định thêm 5 tuyến đường chính. Tuyến số 1 là đường sắt trên không nối Ngọc Hồi và Yên Viên qua trung tâm thành phố, dài 38,7km, phục vụ vùng ngoại thành Đông Bắc và Nam Hà Nội. Tuyến số 2 là Nội Bài – Trung tâm thành phố - Thượng Đình, 33,7km. Đó sẽ là tuyến đường chính nối liền những điểm đến quan trọng trong nội thành như khu đô thị mới Đông Anh, khu phức hợp hành chính ở Từ Liêm, khu phố Cổ, quốc lộ 6 và Thượng Đình.
Bên cạnh đó, tuyến số 3: Nhổn – Ga Hà Nội – Hoàng Mai, 21km, nối phía Tây, Nam và Trung tâm thành phố, bao gồm cả tàu điện ngầm trên không và dưới lòng đất.
Mặt khác, với tuyến số 4 là: Hà Nội – Hà Đông, 14km, đường sắt đô thị với trạm dừng ở Cát Linh – Hào Nam – La Thành – Thái Hà – Láng – Ngã Tư Sở - Quốc lộ 6 – Thượng Đình – Hà Đông – Ba La. Tuyến số 5 là: Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc. Tuyến đường dài 34,5km dự tính sẽ kết nối khu trung tâm thương mại – tài chính và những khu đô thị dọc theo trục Láng – Hòa Lạc.
Riêng về các tuyến đường bộ trên cao, vào năm 2010, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đề nghị xây dựng sáu đường bộ trên cao trong khoảng từ năm 2010 đến 2015. Dự án này dự tính sẽ tiêu tốn hơn 32 nghìn tỷ đồng (1,65 tỷ đô la Mỹ). Những tuyến đường trên cao sẽ bắc qua: Lạc Long Quân – Yên Phụ; Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng – Minh Khai – đường Cầu Vĩnh Tuy, Nội Bài – Mai Dịch – Pháp Vân; Ga Xe Lửa Hà Nội – Xã Đàn – Phạm Ngọc Thạch – Tôn Thất Tùng – Kim Giang – đường 70; Trần Duy Hưng – Liễu Giai – Hồ Tây; và Giảng Võ – Láng Hạ - Thanh Xuân.
Với cầu, dự kiến từ nay cho đến năm 2015, Hà Nội sẽ hoàn thành việc xây dựng cầu Đông Trù, Nhật Tân, Phù Đổng 2, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), và chuẩn bị khởi công cầu Thượng Cát, Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở, bắc qua sông Hồng cũng như những cầu bắc qua Sông Nhuệ, sông Đáy và sông Đuống. 35 cầu ở khu vực nông thôn cũng sẽ được nâng cấp.
Ngoài ra là các tuyến đường đô thị đã và đang hình thành trên địa bàn khắp thành phố. Theo đó, đường Lê Văn Lương kéo dài là tuyến đường 5km chạy từ phường Vạn Phúc đến phường Yên Nghĩa ở quận Hà Đông đã được hoàn thiện vào tháng 9 năm 2010. Con đường này nối liền khu vực đô thị trung tâm Hà Nội với Quận Hà Đông và giảm áp lực giao thông trên đường Nguyễn Trãi.
Tiếp theo đó là đường Nhật Tân – Nội Bài: Tuyến đường dài 12,1km này có sáu làn đường với chiều rộng từ 80 đến 100m. Tuyến đường này bắt đầu từ ngã tư Vĩnh Ngọc và kết thúc ở Minh Phú (Sóc Sơn). Theo kế hoạch, việc xây dựng sẽ được bắt đầu vào quý 2/2011 và hoàn thành trước năm 2013.
Ngoài ra cũng phải kể đến tuyến đường Đê Hà Nội Hưng Yên: Tuyến đường này dài 10km và chạy từ cầu Chương Dương đến khu vực giáp ranh Hà Nội – Hưng Yên. Sau khi hoàn tất vào cuối năm 2010, con đường này không chỉ nối liền khu trung tâm thương mại – tài chính với quận Long Biên và Gia Lâm, mà còn tăng lưu lượng giao thông giữa Hà Nội và Hưng Yên .
Về các tuyến đường vành đai, đường Vành đai số 1 chạy từ Nguyễn Khoái – Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt; Kim Liên – Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu và Voi Phục – Cầu Giấy. Một phần của tuyến đường này từ Ô Đông Mác đến khu vực đê Nguyễn Khoái vẫn chưa được giải phóng mặt bằng.
Đường Vành đai số 2 có chiều dài 43km, tuyến đường này nối liền toàn bộ khu vực trung tâm (bao gồm quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Cầu Giấy và Tây Hồ). Một số khu vực vẫn còn trong giai đoạn đền bù đất đai. Tổng chi phí cho dự án được ước tính vào khoảng 98 triệu đô la Mỹ (1,8 nghìn tỷ VND)
Đường Vành đai 2.5 được đặt giữa đường Vành đai số 2 và số 3. Với tổng độ dài lên tới khoảng 21km, bắt đầu từ khu Đô thị Ciputra và kết thúc tại đường Vành đai số 3. Đoạn đầu tiên, từ Trần Thái Tông tới Trung Kính, được dự tính sẽ xây dựng trong vòng hai năm, từ 2010 đến hết năm 2011.
Đường Vành đai 3 với tổng chiều dài xấp xỉ 65km, nối liền các khu công nghiệp đô thị từ Bắc Thăng Long – Nội Bài, Mỹ Đình – Mễ Trì Hạ - Nam Trung Yên tới Linh Đàm và Định Công. Tuyến đường này sẽ phục vụ một lưu lượng giao thông lớn hơn để tránh trung tâm thành phố bị ùn tắc.
Đáng chú ý, đường Vành Đai 4 với 6 làn đường, dài 136km sẽ nối liền đường Quốc lộ và đường cao tốc trung tâm, khu công nghiệp, và khu vực đô thị. Tuyến đường cao tốc với chiều rộng 90 – 110m sẽ đi qua một vài quận và tỉnh thành quanh Hà Nội, bao gồm: Phúc Yên, Mê Linh (Vĩnh Phúc); Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín, Hà Đông (Hà Tây cũ); Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm, Như Quỳnh (Hưng Yên); Tiên Sơn, Tiên Du, Yên Phong, Hiệp Hòa (Bắc Ninh), và Sóc Sơn (Hà Nội). Tuyến đường này cũng đi qua sông Hồng, sông Đuống và sông Cầu. Dự án được chia làm nhiều giai đoạn và dự kiến sẽ bắt đầu sớm để đạt được mục tiêu hoàn tất dự án trước năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.